Bỏ việc ngàn USD, 8X đi khắp Việt Nam thực hiện ý tưởng lạ từ hoa sen
Từ niềm say mê với hoa sen và nghệ thuật truyền thống, chàng trai Hà Nội đã quyết định thực hiện một ý tưởng táo bạo chưa từng có: Làm giấy từ cây hoa sen.
Dành 3 năm đi khắp nơi tìm nguyên liệu
Anh Kiều Cao Dũng (ở Thạch Thất, Hà Nội) từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành khách sạn ở vị trí quản lý. Những năm 2014-2015, mỗi tháng, anh có khoản thu nhập hàng nghìn USD từ công việc này.
Tuy nhiên, năm 2016, một dịp vô tình biết đến nghệ thuật làm hoa khô bất tử, anh đã quyết định từ bỏ công việc ổn định ở khách sạn để rẽ sang một hướng đi mới với dự án "Viết tiếp phần đời cho sen".
Anh Dũng sau đó đã làm thành công những bông sen "bất tử" (lưu giữ hình hài, màu sắc của một bông sen tươi). 8X Hà Nội vì thế nhận được nhiều lời ngợi khen và gắn liền với tên gọi "nghệ nhân sen".
Năm 2018, trong một lần tình cờ về Hà Nam để khảo sát vùng nguyên liệu, anh Dũng thấy người dân sau khi thu hoạch hạt sen đều bỏ phí phần đài. Một số nông dân thì tận dụng đài sen làm phân bón.
Từ đây, anh Dũng nảy ra ý tưởng làm một thứ gì đó mới mẻ để "viết tiếp phần đời cho sen". Khi tìm hiểu thành phần, anh Dũng quyết định thử nghiệm làm giấy từ đài sen.
Quá trình biến đài sen thành những tờ giấy phẳng phiu thật lắm công phu và gặp không ít thất bại. Là người đầu tiên làm giấy sen ở Việt Nam nên anh Dũng phải mày mò từng chút một.
Người đàn ông Hà Nội chia sẻ, đài sen có hàm lượng cellulose chỉ khoảng 40%. Vậy nên, thử thách đầu tiên là làm thế nào để những sợi xơ sen có thể kết dính với nhau.
Năm 2018, anh đã tìm về Bắc Ninh để học kỹ thuật làm giấy dó rồi áp dụng cho sen nhưng không thành công. Những ngày sau đó, anh rong ruổi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang để tìm hiểu kỹ thuật làm giấy từ rơm và giang non.
Các tỉnh này có phương án sử dụng cây bò làm chất kết dính. Anh Dũng bèn mua cây bò về thử nghiệm nhưng cũng không hợp với sen. Không từ bỏ ý định, anh vào các tỉnh miền Trung để học hỏi kỹ thuật làm giấy từ xơ dừa song vẫn thất bại.
Quãng thời gian lang thang khắp nơi kéo dài suốt 3 năm. Có lúc anh Dũng nghĩ mình không thể làm được giấy từ sen.
Tình cờ tháng 3-2022, khi đến chơi nhà một người bạn làm hương truyền thống ở Hưng Yên, anh biết đến bột cây bời lời. Loại bột này được người dân sử dụng để tạo sự kết dính các nguyên liệu khi làm hương. Anh Dũng như tìm được lối ra trong lộ trình mơ hồ và rối rắm với những sợi xơ sen.
"Tôi tìm hiểu thì được biết cây bời lời được trồng phổ biến ở Tây Nguyên và có độ nhớt cao. Tôi bèn sử dụng bột cây này cho sen thì thấy hợp một cách hoàn hảo", anh Dũng nhớ lại.
Ứng dụng đặc biệt của giấy sen
Chia sẻ về quy trình làm giấy sen, anh Dũng cho biết, đài sen sau khi thu lượm về sẽ được sơ chế, tách bỏ hết sạch hạt rồi đem phơi khô. Đài sen khô sẽ được luộc từ 8 đến 10 tiếng.
Quá trình luộc nhừ này không diễn ra liên tục mà ngắt thành từng giai đoạn (luộc 4 tiếng rồi để nguội sau đó lại luộc tiếp 2-3 lần nữa, mỗi lần 2 tiếng).
"Nếu đun liên tục thì xác sen sẽ không đồng đều về hàm lượng cellulose và không thu được phần xơ sen đúng như mong muốn. Thời gian đầu tôi không biết, cứ đun liên tiếp nên gặp thất bại không ít", anh Dũng kể.
Từ phần đài sen luộc kỹ, anh Dũng sẽ xé thành từng mảnh nhỏ rồi đem giã tay lấy xơ. Xơ sen được ngâm ủ xơ trong chất liệu vi sinh để trắng và mềm. Quá trình này kéo dài 3 tháng và anh Dũng gọi đây là thời gian xơ sen "ngủ đông".
Thành phần thu được, anh Dũng cho ngâm trong bể chứa rồi dùng các công cụ chuyên biệt để chao lấy xơ. Phần khung chao được đem phơi 3 ngày nắng liên tiếp. Giấy sen sau đó sẽ tự long ra.
Tất cả các công đoạn này đều được anh Dũng làm thủ công, không có máy móc can thiệp. Nhiều kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu biết sâu sắc về nguyên liệu, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến cả mẻ xơ đó bỏ đi.
Công đoạn cuối cùng vô cùng quan trọng giúp giấy bền, đẹp đó là tạo bề mặt cho giấy. Anh Dũng một lần nữa tìm đến làng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh để học hỏi. Tuy nhiên, các nghệ nhân tại đây đều từ chối hướng dẫn anh làm công đoạn điệp giấy.
Anh mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về lớp bột điệp bí ẩn. May mắn mấy tháng sau, anh được một người bạn ở Quảng Ninh giới thiệu tới một họa sĩ chuyên về tranh bột điệp và cách làm ra bột điệp sao cho đẹp nhất. Từ đó, giấy sen hoàn hảo mới hình thành.
Khi biết anh Dũng làm thành công giấy sen, rất nhiều họa sĩ đã bày tỏ nguyện vọng muốn được vẽ tranh trên chất liệu giấy này để đánh giá về độ thấm hút, độ loang màu và bền màu. Những bức tranh vẽ trên giấy sen thu được vô cùng đẹp mắt và có độ sâu.
"Tuy nhiên, sự kết hợp hoàn hảo nhất có lẽ là với bột điệp. Bột điệp là chất liệu được sử dụng làm tranh Đông Hồ. Vậy nên, tôi đã cho thêm chất điệp vào quy trình để tạo ra giấy sen điệp.
Giấy sen điệp tạo độ lấp lánh, sinh động cho mỗi bức tranh. Tôi muốn giấy sen là chất liệu mới để làm tranh và những sản phẩm thủ công có giá trị văn hóa khác", anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo 8X Hà Nội, sản phẩm giấy sen ngoài dùng để vẽ tranh còn được dùng sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm mang đậm văn hóa Việt khác. Cụ thể, anh Dũng đã vào Huế học kỹ thuật làm hoa giấy để tạo ra hoa sen giấy.
Không chỉ có thế, anh còn áp dụng kỹ thuật của làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất) để làm quạt giấy… Từ giấy sen, anh Dũng còn mong muốn tạo một sức sống mới cho dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống.
Có thể thấy, với sản phẩm giấy sen, anh Kiều Cao Dũng đã góp phần tận dụng phần nguyên liệu lãng phí đài sen bị bỏ đi bao nhiêu năm, gia tăng giá trị cho người trồng sen.
"Sen vốn được xem là quốc hoa của Việt Nam. Tôi mong muốn kể những câu chuyện về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam qua những bông hoa sen, những chiếc quạt giấy hay bức tranh dân gian.
Hướng đi mới này sẽ góp phần làm cho những giá trị di sản không mất đi mà hiện hữu ngày một sâu rộng, không chỉ với người Việt mà còn với nhiều du khách quốc tế", anh Dũng chia sẻ.