Bộ Xây dựng đặt mục tiêu giải ngân 9.000 tỷ đồng/tháng

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng xác định trong 6 tháng cuối năm 2025. Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá: Khối lượng giải ngân còn rất lớn, khoảng 63.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải giải ngân 9.000 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2025, cả nước đang khai thác 2.268 km đường bộ cao tốc. Ảnh: ST

Đến hết tháng 6/2025, cả nước đang khai thác 2.268 km đường bộ cao tốc. Ảnh: ST

Dồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, cả nước đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác đạt 2.268 km. Đây là kết quả của phong trào thi đua “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, qua đó huy động tổng lực nguồn lực, nhân lực, máy móc, thiết bị cho công tác thi công.

Hiện cả nước có 52 dự án cao tốc đang triển khai thi công, cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Đặc biệt, các vướng mắc lớn về vốn, mặt bằng, kỹ thuật của giai đoạn 1 đã được Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương và bộ, ngành liên quan tháo gỡ kịp thời. Trong số 14 dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, có 10 dự án đạt sản lượng từ 72% đến 95%, 4 dự án còn lại đạt từ 58% đến hơn 70%.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải vào cuộc quyết liệt, hoàn thành bằng được các đầu việc theo tiến độ yêu cầu. Đồng thời nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án này không chỉ nhằm đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc mà còn tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng xác định trong 6 tháng cuối năm 2025. Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá: Khối lượng giải ngân còn rất lớn, khoảng 63.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải giải ngân 9.000 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6/2025, giá trị giải ngân của Bộ ước đạt gần 23.800 tỷ đồng, bằng hơn 27% kế hoạch, cao hơn mức giải ngân bình quân của các bộ ngành trung ương (25,3%). Đây được xem là kết quả tích cực trong bối cảnh nhiều dự án giao thông có quy mô lớn, thủ tục đầu tư phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt

Bên cạnh các tuyến cao tốc, lĩnh vực đường sắt cũng có nhiều bước tiến quan trọng. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được triển khai các thủ tục đầu tư theo đúng định hướng Nghị quyết 68 của Quốc hội. Đáng chú ý, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phấn đấu khởi công vào ngày 19/12/2025.

Dự án này đã tổ chức giải phóng mặt bằng đồng loạt tại 20 địa phương có tuyến đi qua, chuẩn bị kỹ cho giai đoạn thi công quy mô lớn từ năm 2026. Bộ trưởng Trần Hồng Minh đặc biệt lưu ý công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cần được triển khai sớm để kịp thời gian khởi công.

Song song, công tác lựa chọn nhà thầu thi công hệ thống điều hành, hệ thống giám sát giao thông đường cao tốc Bắc - Nam cũng được yêu cầu phải hoàn thành sớm, đảm bảo tiến độ đưa vào hoạt động từ ngày 01/01/2026.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, tháo gỡ dứt điểm các “nút thắt” về vốn, giải phóng mặt bằng, vật tư để hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm. Đặc biệt, các công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 sẽ được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Song song đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý vận hành, giám sát giao thông. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho hạ tầng giao thông sẽ được sớm hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bo-xay-dung-dat-muc-tieu-giai-ngan-9-000-ty-dong-thang-41545.html