Bộ Xây dựng được giao chủ trì hướng dẫn bố trí trụ sở làm việc cho các địa phương
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn về lựa chọn vị trí, bố trí trụ sở làm việc sau sắp xếp đơn vị hành chính, xong trước ngày 25/4.
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 758/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trụ sở Bộ Xây dựng. Ảnh TL.
Hướng dẫn sắp xếp đơn vị hành chính
Theo Kế hoạch, trước ngày 25/4, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn về lựa chọn vị trí, bố trí trụ sở làm việc, các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND, UBND, các cơ quan, đơn vị; quản lý, sử dụng, xử lý nhà công vụ sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Trước ngày 20/5, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính của cấp huyện lên cấp tỉnh và xuống cấp xã; Thực hiện giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân trước, trong và sau sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính sau sắp xếp (vùng cao, biên giới, hải đảo...); chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thành trước ngày 31/5.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sau sắp xếp bảo đảm cân đối, phù hợp với chủ trương tiết kiệm, giảm chi ngân sách cho bộ máy, trước ngày 30/7.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành các hướng dẫn về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị khi không tổ chức cấp huyện; về công tác quản lý, bàn giao, tiếp nhận, sử dụng tài sản của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trước, trong và sau sắp xếp đơn vị hành chính; về quản lý, xử lý trụ sở, tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính. Hoàn thành trước ngày 25/4.
Chỉ khắc, đổi con dấu mới sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Trước ngày 30/6, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan ban hành quy định (hướng dẫn) về sử dụng con dấu của HĐND, UBND cấp xã, con dấu của tổ chức, doanh nghiệp...
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục sử dụng con dấu HĐND, UBND của một trong những đơn vị hành chính cấp xã, con dấu của tổ chức, doanh nghiệp... trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện; chỉ khắc, đổi con dấu mới sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Phó thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) trước ngày 5/5
Trước ngày 05/5, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, trong đó có nội dung thực hiện tổ chức lại hệ thống thanh tra. Cùng với đó chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn về kết thúc thanh tra cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức thuộc thanh tra cấp tỉnh theo đúng Đề án. Hoàn thành trước ngày 30/6.
Tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
Theo kế hoạch, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về: Phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính... gắn với phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về: Phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính... gắn với phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội...
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về: Phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính... gắn với phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, pháp chế...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về: Phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính... gắn với phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực tài chính, quy hoạch, đầu tư, ngân sách Nhà nước, chứng khoán, bảo hiểm, đấu thầu... khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...
Theo Kế hoạch, các Bộ: Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính được yêu cầu triển khai xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp xong trước 30/6.