Bộ Xây dựng hiến kế tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, tổng số các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành tính đến tháng 12/2024, đã khởi công xây dựng mới đạt khoảng 40% trong giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, với mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc triển khai, thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, tổng số các dự án đã hoàn thành tính đến tháng 12/2024, đã khởi công xây dựng mới đạt khoảng 40% mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.
Để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 29/7/2024 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật nhà ở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân cùng biết, cùng hiểu, cùng triển khai, thực hiện.
Đôn đốc các địa phương hoàn thành ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội; Đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu của Đề án, nhất là những địa phương trọng điểm, có chỉ tiêu đăng ký cao nhưng việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội thấp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Tiếp tục xem xét nâng thời hạn vay ưu đãi và nghiên cứu mở các chỉ tiêu/ hạn mức tín dụng đối với khoản vay nhà ở xã hội phù hợp để tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.
Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với các giải pháp trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai thực hiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và các công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, bố trí đủ quỹ đất để thực hiện mục tiêu đầu tư nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023. Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền quy trình giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội phù hợp; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Khẩn trương, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.
Chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu như đối với các dự án nhà ở thương mại; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải cácbon thấp.
Tiếp tục kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Sau khi khởi công dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê. Khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội…
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bo-xay-dung-hien-ke-tang-nguon-cung-nha-o-xa-hoi.html