Bộ Xây dựng: TP.HCM phải ưu tiên nhà ở xã hội cho người nghèo

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, TP.HCM cần sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng nhóm nhà ở. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người nghèo, phải được ưu tiên phát triển trước.

TP.HCM phải ưu tiên nhà ở xã hội cho người nghèo

Mới đây, trong buổi làm việc với UBND TP.HCM, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, thành phố cần sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng nhóm nhà ở. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp, cải tạo nhà chung cư cũ, nhà ở ven kênh rạch phải được ưu tiên phát triển trước.

Đối với phân khúc nhà ở thương mại, cần tiếp tục nghiên cứu để ưu tiên một phần tỷ trọng quỹ nhà nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, gắn với liên kết vùng để người dân các tỉnh có thể đến làm việc ở thành phố.

TP.HCM đang thiếu nhà ở xã hội.

Bởi, hiện tại, TP.HCM đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở nói chung, và dòng sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ nói riêng.

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu nhà ở tại TP.HCM, chỉ tương ứng khoảng 3% tổng diện tích mặt sàn xây dựng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM có 23 dự án nhà ở xã hội, cung ứng khoảng 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường, tương ứng 17.900 căn hộ. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người dân lến tới 80.000 căn hộ.

Cũng theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp (giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống) giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở.

Dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, thành phố cần phát triển khoảng 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội trong danh mục nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành sau năm 2020. Đồng thời cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn hơn 10 ha, đã xác định quỹ đất 20% để thực hiện nhà ở xã hội.

Hiện Sở Xây dựng đang theo dõi 65 dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, tổng diện tích đất khoảng 197,3 ha với quy mô khoảng 146.550 căn hộ nhà ở xã hội đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM cũng nên giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao

Thực hiện phát triển đô thị tại TP.HCM quá chậm

Bên cạnh vấn đề về nhà ở, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dân số TP.HCM hiện nay đã vượt quá chỉ tiêu dự báo dân số cho năm 2025, phân bổ không đồng đều giữa các khu vực.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng tại buổi làm việc. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Hệ thống giao thông đô thị đã có quy hoạch nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, chưa có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đô thị hóa ở nhiều khu vực tương đối tự phát.

Do đó, TP.HCM cần khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để phù hợp với yêu cầu phát triển, ứng phó những thách thức mới.

Quy hoạch chung xây dựng phải phù hợp quy hoạch phát triển thành phố theo Luật Quy hoạch, phải đặt trong mối quan hệ liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có phân kỳ phù hợp và lộ trình thực hiện khả thi. Nghiên cứu định hình rõ mô hình đô thị thành phố với vai trò siêu đô thị là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP.HCM.

Các chương trình dự án quan trọng của thành phố phải đặt trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn, có tính thực thi cao. Khu vực đô thị hiện hữu và thành phố Thủ Đức có thể phát triển thành trung tâm tài chính, đô thị thông minh.

Khu vực Cần Giờ thành khu dự trữ sinh quyển; xem xét hướng phát triển mới lên Củ Chi vì có địa hình tương đối cao. Việc lập quy hoạch cần bám sát các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Về vấn đề phát triển hạ tầng đô thị tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thành phố đã sớm có các quy hoạch chuyên ngành giao thông, cấp nước, thoát nước.

Vấn đề là việc tổ chức thực hiện quá chậm, cần nghiên cứu phân tích rõ các nguyên nhân, có giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để từng bước khép kín các đường vành đai, hoàn thiện đường xuyên tâm.

Chú trọng thực hiện chương trình chống ngập gắn với chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu tổng thể của thành phố. Cần nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm để phục vụ phát triển.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, hiện nay công tác thu gom, xử lý rác thải cũng cần được chú trọng hơn do tỷ lệ chôn lấp rác còn rất cao. Thành phố cần nghiên cứu, có chiến lược lâu dài để có thể chủ động giải quyết yêu cầu về xử lý rác thải áp dụng công nghệ đốt.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, TP.HCM cần đổi mới mô hình quản lý đô thị. Cụ thể, khi xuất hiện các khu vực có tính liên kết cao giống như thành phố Thủ Đức thì có thể thành lập đơn vị hành chính độc lập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy sáng tạo, giải quyết các vấn đề bất cập trong quản lý siêu đô thị.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-xay-dung-tphcm-phai-uu-tien-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-ngheo-post131844.html