Bộ Xây dựng: Việt Nam có quá ít công trình xanh
Tại Hội thảo 'Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững', các chuyên gia cho biết cả nước mới chỉ có trên 200 công trình xanh với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh - Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ để đầu tư sản xuất các vật liệu xây dựng (VLXD) xanh, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường ứng dụng trong các công trình xanh và có kiến trúc bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế trong việc phát triển các VLXD xanh cũng như công trình xanh giai đoạn vừa qua. Trong 10 năm qua, số lượng công trình xanh của Việt Nam mới chỉ đạt được trên hơn 200 công trình, với tổng diện tích khoảng trên 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
Thứ trưởng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển công trình xanh thời gian qua, như: Chưa có các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan thẩm quyền như trình tự, thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm về VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, chưa có các quy định bắt buộc về đánh giá, chứng nhận nhãn sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng đối với các thiết bị sử dụng năng lượng.
Đứng ở góc độ chuyên môn, kiến trúc sư Nguyễn Đình Thanh, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, doanh nghiệp thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì cho rằng chi phí xây dựng ban đầu lớn, cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường.
Tuy nhiên, ông khẳng định tình trạng này chỉ xảy ra khi dự án không áp dụng các giải pháp xanh ngay từ những giai đoạn đầu tiên, hoặc lựa chọn giải pháp phức tạp, không hữu ích, có thời gian hoàn vốn dài.
"Thực tế, nếu áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng, thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2-3 năm", KTS Nguyễn Đình Thanh nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Eurowindow chia sẻ Eurowindow đang từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào công trình, cũng như xây dựng những quy trình sản xuất thông minh để tối ưu năng suất và tiết kiệm năng lượng, đó là những bước đi đúng đắn. Eurowindow đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, thực thi các chính sách và thực hiện các cam kết quốc tế về sử dụng năng lượng hiệu quả. Trên tinh thần doanh nghiệp hưởng ứng các chính sách của Chính phủ và thực hiện các mục tiêu đề ra tại Hội nghị COP 26.
Qua buổi Hội thảo, ông mong lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng các chuyên gia, chủ đầu tư, nhà thiết kế, kiến trúc sư, các nhà thầu sẽ có những trao đổi, tìm hiểu về những giải pháp để có những lựa chọn phù hợp, đạt hiệu quả cao cho công trình để cùng với Chính phủ đạt được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP 26.
Tại hội thảo, đại diện thương hiệu Saint Gobain tại Việt Nam cũng chia sẻ về câu chuyện thực tế của doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp kính tiết kiệm năng lượng trong xây dựng. Đại diện đơn vị này cho biết đã tích hợp vật liệu tái chế vào các sản phẩm và giải pháp, điều chỉnh quy trình sản xuất, thực hiện giảm khí thải carbon theo các bước tại nhà máy trong đó tăng cường sử dụng nguyên liệu thủy tinh vụn tái chế, tạo mạng lưới thu gom và giảm chất thải không tái chế... Nói về mục tiêu của Saint Gobain trong chu kỳ phát triển bền vững đặt ra vào năm 2030, doanh nghiệp sử dụng 100% vật liệu tái chế trong đóng gói, sử dụng hơn 30% vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học trên bao bì, giảm 80% chất thải không thu hồi...
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bo-xay-dung-viet-nam-co-qua-it-cong-trinh-xanh-420223178231737.htm