Bỏ xét tuyển sớm, thí sinh có thiệt thòi?

Mùa tuyển sinh 2025, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ xét tuyển sớm, không ít người băn khoăn việc này sẽ thiệt thòi cho thí sinh.

Năm 2025 sẽ không còn xét tuyển sớm

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2. Đặc biệt, so với dự thảo công bố trước đó sẽ một số điều chỉnh.

So với dự thảo ban đầu, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ xét tuyển sớm thay vì giới hạn chỉ tiêu 20% như dự thảo trước đó. Ngoài ra, điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng), đồng thời tổng điểm xét tuyển của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa.

Các năm trước, cơ sở giáo dục thực hiện nhiều đợt tuyển sinh như xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy... Các đợt xét tuyển này thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường công bố điểm chuẩn, kết quả xét tuyển từ sớm, có trường công bố trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra nên được gọi là đợt xét tuyển sớm.

Bộ GD&ĐT sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng này.

Bộ GD&ĐT sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng này.

Điều này dẫn đến việc thí sinh biết trước kết quả xét tuyển đại học nên có tâm lý xao nhãng việc học tập các môn phục vụ kỳ thi tốt nghiệp. Chính vì vậy, năm nay, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ xét tuyển sớm. Như vậy, các trường vẫn có thể dùng các phương thức khác nhau để xét tuyển nhưng phải công bố điểm chuẩn chung đợt với thời điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Bỏ xét tuyển sớm có ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh?

Về vấn đề này, TS. Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, năm nay, Trường Đại học Giao thông Vận tải không thực hiện xét tuyển sớm nhưng nhà trường vẫn xét tuyển bằng học bạ chuyển cùng với đợt xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. "Về quyền lợi thì thí sinh không bị ảnh hưởng. Việc xét tuyển sớm sẽ khiến học sinh lơ là trong việc học tập ở học kỳ cuối. Do vậy, việc Bộ GD&ĐT bỏ xét tuyển sớm là đúng".

Theo ThS. Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp công bằng hơn cho thí sinh. Bởi vì tất cả thí sinh sẽ xét tuyển trong cùng một thời điểm, không có tình trạng thí sinh trúng tuyển sớm và không tham gia các phương thức khác, giúp tăng cơ hội cho những thí sinh còn lại.

Việc bỏ xét tuyển sớm và tất cả phương thức xét tuyển diễn ra đồng thời sẽ giúp thí sinh dễ dàng so sánh kết quả giữa các phương thức để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng "ảo".

Khi xét tuyển sớm, nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, gây khó khăn cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu còn lại. Việc xét tuyển chung giúp quản lý dữ liệu tốt hơn và phân bổ chỉ tiêu hợp lý.

Tuy nhiên việc bỏ xét tuyển sớm sẽ tác động lớn đến tâm lý của thí sinh. Bởi vì trước đây nhiều thí sinh đã có suất vào đại học nhờ xét tuyển sớm (học bạ, điểm đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế...) trước khi thi tốt nghiệp THPT, giúp các em giảm căng thẳng. Nhưng khi bỏ xét tuyển sớm, tất cả thí sinh phải chờ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT mới biết kết quả xét tuyển, dẫn đến áp lực thi cử tăng lên.

Dành lời khuyên cho thí sinh, ThS. Cù Xuân Tiến cho rằng, thí sinh cần tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh của các trường và chuẩn bị nhiều phương án đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành/trường mình yêu thích.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, bỏ xét tuyển sớm là đảm bảo công bằng cho các thí sinh giữa các vùng miền. Việc này giúp tạo ra sự ổn định, chất lượng và tránh thủ tục hành chính rắc rối.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-xet-tuyen-som-thi-sinh-co-thiet-thoi-169250220214723179.htm