Bộ Y tế đề nghị sửa Nghị định 15, nhiều hiệp hội thực phẩm không đồng tình

Mới đây, Bộ Y tế đã có báo cáo và nêu ra 8 tồn tại hạn chế của Nghị định 15. Thế nhưng, các Hiệp hội các ngành thực phẩm cho rằng, 8 vấn đề do Bộ Y tế nêu đều không chính xác.

Bộ Y tế nêu 8 tồn tại bất cập của Nghị định 15

Mới đây, Bộ Y tế đã có báo cáo số 313 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Bộ Y tế cho biết, Nghị định 15 đã triển khai được 4 năm và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực đến công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, như đơn giản hóa thủ tục, chuyển mạnh sang khâu hậu kiểm, thúc đẩy quản lý theo nguy cơ,....

Bộ Y tế đã có báo cáo và nêu ra 8 tồn tại hạn chế của Nghị định 15. Thế nhưng, các Hiệp hội các ngành thực phẩm cho rằng, 8 vấn đề do Bộ Y tế nêu đều không chính xác.

Qua thực tế triển khai, Nghị định 15 đã xuất hiện 8 tồn tại, hạn chế cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh, cơ chế hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và sản xuất, kinh doanh sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Theo Bộ Y tế, do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí nên hoạt động hậu kiểm của cơ quan quản lý chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu, chưa sát thực tế, hiệu lực hoạt động hạn chế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm tự công bố ngày càng phong phú.

Trên thực tế, còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp không tồn tại địa điểm kinh doanh đã đăng kỳ, gây khó khăn cho công tác hậu kiểm.

Các Hiệp hội thực phẩm phản đối

Ngay sau báo cáo của Bộ Y tế, 6 Hiệp hội các ngành thực phẩm đã có “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị không sửa đổi Nghị định 15 trong thời điểm này.

Sáu Hiệp hội bao gồm, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Chè, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM. Hôi doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội đồng kinh doanh Hòa kỳ - ASEAn và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản nhấn mạnh, trong 4 năm qua, Nghị định 15 đã mang lại nhiều hiệu quả.

Cụ thể, Nghị định 15 đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, khoảng 3.332,5 tỷ đồng/năm, chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh.

Trước đó, Tổ công tác Chính phủ cũng đã đánh giá: Nghị định 15/2018/NĐ-CP rất tiên tiến, thay đổi căn bản trong cách thức quản lý an toàn thực phẩm, chuyển từ quản lý tiền kiểm sang quản lý hậu kiểm; nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ sở sản xuất kinh doanh.

Do đó, đại diện Hiệp hội nhấn mạnh, báo cáo của Bộ Y tế nêu ra 8 tồn tại, hạn chế để đề xuất sửa đổi Nghị định 15 nhưng cả 8 tồn tại hạn chế này đều không chính xác, không đúng với thực tế, không phù hợp với Nghị quyết 02/NQ-CP.

Các Hiệp hội sẵn sàng được trao đổi, đối thoại với Bộ y tế vào bất kỳ khi nào với đầy đủ các dữ liệu thực tế để làm rõ 8 điểm trên.

Sáu Hiệp hội cũng cho rằng, nghiên cứu đánh giá tác động sau 4 năm thực hiện là rất cần thiết, để có cơ sở khoa học đưa ra các sửa đổi, bổ sung cần thiết, theo hướng đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, phân cấp phân quyền, cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng các Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực thi Nghị định 15 xuống các địa phương, tăng cường hậu kiểm, giám sát việc thực thi Nghị định cả ở các doanh nghiệp và cơ quan quản lý các cấp, đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả các cải cách về hậu kiểm, phân cấp-phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính được nêu trong Nghị định.

"Ba Bộ Y Tế, Nông nghiệp, Công thương và các cơ quan quản lý cấp tỉnh cần nhanh chóng triển khai chính phủ điện tử, đăng ký online để quản lý an toàn thực phẩm được nhanh chóng và hiệu quả hơn", đại diện các Hiệp hội nêu.

Vì thế cho nên, các Hiệp hội đề nghị giữ nguyên các cải cách trong Nghị định 15. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần nâng cao tinh thần và năng lực hậu kiểm, phân cấp, phân quyền, chịu trách nhiệm để thực thi đầy đủ Nghị định 15.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-y-te-de-nghi-sua-nghi-dinh-15-nhieu-hiep-hoi-thuc-pham-khong-dong-tinh-post185541.html