Bộ Y tế đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại "Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường đối với sức khỏe, tác động của chính sách thuế và giá" do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường…
Cũng nằm trong số này, những thập kỷ gần đây, gánh nặng thừa cân - béo phì trên toàn thế giới đã gia tăng nhanh chóng với xu hướng chuyển dịch từ các nước thu nhập cao sang các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016). Thừa cân, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và tử vong sớm liên quan".
Lý giải cho tình trạng này, ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam.
Thừa cân béo phì lại là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm. Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Cũng tại Hội thảo, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, để tạo hiệu quả, có sức nặng nhất, kinh tế nhất và mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bên cạnh đó áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường
"Nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao. Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm" - bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.