Bộ Y tế đề xuất bỏ cơ chế tự công bố chất lượng thực phẩm bổ sung
Bộ Y tế cho rằng cần phải đưa thực phẩm bổ sung vào diện bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm, thay vì chỉ tự công bố như hiện nay.
Bộ Y tế đang đề xuất bỏ cơ chế tự công bố chất lượng đối với thực phẩm bổ sung - loại sản phẩm vốn chỉ cần khai báo và tự chịu trách nhiệm trước khi bán ra thị trường.
Động thái được đưa ra sau loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, kém chất lượng như kẹo rau củ Kera, sữa bột giả hay thực phẩm chức năng gắn mác bổ sung nhưng không đúng thành phần công bố.
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15 về thi hành Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng cơ chế tự công bố đang tạo kẽ hở cho doanh nghiệp “lách luật”. Nhiều đơn vị lợi dụng sự thiếu kiểm soát này để đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí gắn mác sai công dụng.
Hiện thực phẩm bổ sung, nhóm sản phẩm dùng để hỗ trợ chế độ ăn uống hàng ngày không thuộc danh mục bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Các đơn vị chỉ cần tự công bố giống như nhóm thực phẩm bao gói sẵn. Trong khi đó, các nhóm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi hay thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt mới thuộc diện quản lý chặt.

Sản phẩm "kẹo rau củ Kera" thổi phồng chức năng gây bức xúc dư luận.
Theo đại diện Bộ Y tế, nhiều doanh nghiệp “lách” quy định bằng cách tự xác định sản phẩm là thực phẩm bổ sung để tránh quy trình công bố và kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, do không phải đăng ký nội dung quảng cáo, nên họ dễ dàng phóng đại công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Điển hình là vụ việc kẹo rau củ Kera. Sorbitol chiếm đến 35% thành phần sản phẩm, nhưng lại không hề được công bố. “Không siết từ khâu công bố và kiểm nghiệm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân”, đại diện Bộ Y tế nói.
Do đó, dự thảo mới yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố đối với thực phẩm bổ sung, đồng thời kiểm soát nội dung quảng cáo. Thay vì chỉ cam kết an toàn, doanh nghiệp sẽ phải nộp cả phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng bên cạnh các chỉ tiêu an toàn như trước.
Song song, quy định về điều kiện sản xuất cũng được nâng tầm. Các cơ sở sẽ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP hay ISO 22000, thay vì chỉ đáp ứng điều kiện sản xuất thông thường. Mục tiêu là kiểm soát sản phẩm ngay từ khâu nghiên cứu, thành phần, công dụng đến quá trình đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất kết nối dữ liệu hậu kiểm qua Cổng dịch vụ công quốc gia để các bộ ngành, địa phương phối hợp giám sát xuyên suốt. Việc phát hiện và xử lý sai phạm không chỉ dừng ở nhà sản xuất mà còn mở rộng đến người phát hành quảng cáo và các nhân vật có tầm ảnh hưởng (KOLs). Cơ quan chức năng cũng yêu cầu công khai mối quan hệ giữa người quảng cáo và doanh nghiệp tài trợ.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, gồm trên 8.200 vụ buôn bán hàng cấm và hơn 1.100 vụ liên quan đến hàng giả. Tổng số tiền nộp vào ngân sách đã vượt 4.897 tỷ đồng, gần 1.400 vụ bị khởi tố hình sự với hơn 2.100 bị can.