Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh
Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe người dân.
Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% nguyên nhân các ca tử vong tại Việt Nam, đang đặt gánh nặng lên hệ thống y tế và đời sống của người dân. Để có hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác phòng bệnh, nâng cao chất lượng sức khỏe toàn dân, việc xây dựng và ban hành Luật phòng bệnh là điều cần thiết.
Bệnh không lây nhiễm tăng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số liệu về mô hình tử vong cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc, trong đó tỷ lệ các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường chiếm phần lớn.
15,3% dân số từ 40-69 tuổi nguy cơ cao > 20% trong vòng 10 năm tới gặp các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Chỉ 40,8% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính đến từ các nguy cơ về môi trường sống, áp lực công việc, cuộc sống, thói quen lười vận động, chế độ ăn không hợp lý, ăn quá nhiều thịt, ăn nhiều đồ chiên rán”
Bộ Y yế cũng thống kê cho thấy gần 1/5 dân số (19.5%) bị thừa cân (IBM > 25kg/m2), trong đó có 2,1% béo phì. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành 19-65 tuổi tăng từ 12% năm 2010 đến 19,6%/ năm năm 2020 (tăng 1,6 lần sau 10 năm); khoảng 44,1% người trưởng thành có mức cholesterol toàn phần trong máu cao >5,0mmol/L hoặc đang dùng thuốc điều trị tăng cholesterol.
Xã hội phát triển lại càng phát sinh nhiều bệnh tật, độ tuổi mắc bệnh và tử vong cũng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20%.
Mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. “Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch, nhiều ca cấp cứu nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40”, PGS Hiền cho biết thêm.
Không chỉ tim mạch, tiểu đường thậm chí còn được ví như “đại dịch” với tỷ lệ nhiễm bệnh tăng chóng mặt. TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, riêng tại Hà Nội, thành phố có khoảng 500.000 người bị tiểu đường và 1,5 triệu người mắc tiền tiểu đường. Đáng báo động là chỉ có 50% trong số đó được chẩn đoán, điều trị và chỉ có 30% được tiếp nhận điều trị có chất lượng. Do đó, có đến 50% bệnh nhân tiểu đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
Việc sửa đổi, cập nhật các chính sách luật hiện hành để đảm bảo quản lý toàn diện các vấn đề sức khỏe của người dân, bao gồm cả bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm và các vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, để sớm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hệ thống y tế, hướng tới nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ trung bình của người dân.
Cần gấp rút xây dựng và ban hành Luật Phòng bệnh
Hiện Việt Nam mới chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mà chưa có hành lang pháp lý để kiểm soát các vấn đề khác như sức khỏe môi trường, đặc biệt là việc phòng ngừa và quản lý bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) để phòng bệnh thì trước tiên, chúng ta cần phòng các yếu tố nguy cơ về môi trường, xã hội, sau đó là phòng bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh không rõ nguyên nhân.
Những con số đáng báo động về bệnh không lây nhiễm đang đặt ra thách thức rất lớn cho kinh tế - xã hội, yêu cầu cấp thiết cần phải có Luật Phòng bệnh, để bao phủ tất cả các vấn đề liên quan đến bệnh tật, sức khỏe toàn dân.
PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ thêm: “Chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cũng cần có Luật Phòng bệnh để cân đối. Các cụ xưa vẫn có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, làm sao để người dân sống thọ, sống khỏe”
Từ thực tế trên, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành. Đồng thời, Luật cũng hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện sức khỏe cho ngươi dân, bao gồm cả những vấn đề trước nay còn đang bị bỏ ngỏ như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm. Làm được điều này sẽ là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ của người dân.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-y-te-de-xuat-xay-dung-luat-phong-benh-ar921374.html