Tất bật mưu sinh ngày cuối năm
Những ngày giáp tết, khi mọi người, mọi nhà đều lo sắm sửa, trang hoàng chuẩn bị chào đón năm mới, thì vẫn còn nhiều người mải miết 'chạy đua' với thời gian, tất bật mưu sinh với mong muốn có thêm thu nhập, lo cho gia đình có một cái tết tươm tất, ấm no.
Dạo quanh các ngả đường, nhất là ở các chợ có quy mô lớn của tỉnh bắt gặp nhiều lao động tìm việc làm thời vụ. Từ công việc bốc vác, gánh hàng thuê đến bán hàng, làm vệ sinh nhà cửa, sân vườn... để mong có thêm thu nhập trang trải trong dịp tết.
Cuối năm chính là dịp “gặt hái” của những người thợ đánh giày. Bởi, tâm lý ai cũng muốn ngoại hình tươm tất hơn trong những ngày đầu năm mới. Nếu như những ngày thường, trung bình một ngày thợ đánh giày chỉ có khoảng 10 - 15 khách thì những ngày cuối năm số lượng tăng gấp 3, lên tới 35 - 50 khách với thu nhập bình quân 500 - 700 nghìn/ngày. Chăm chú vào đôi giày, hai tay thoăn thoắt một cách thuần thục và điệu nghệ, anh Trần Hoài Nam, xã Quảng Thịnh (Quảng Xương), cho biết: “Giày da đen là dễ đánh và đánh nhanh nhất. Nếu khách ăn xong một bát phở, thì tôi đánh xong 2 đôi, nói chung một tiếng tôi đánh được khoảng 7 - 8 đôi giày... Tranh thủ những ngày cuối năm kiếm thêm thu nhập để có đủ tiền mua sắm tết”.
Đồ nghề của anh Nam khá gọn nhẹ, đó là mấy hộp xi với đầy đủ các màu đen, trắng, nâu; một bàn chải đánh giày và đánh bóng, vải da và miếng đánh bóng, một lọ cồn nhỏ, một lọ giấm nhỏ, vài đôi dép và khoảng chục đôi lót giày mới phòng khi khách cần mua... Tất cả chỉ gói gọn trong một cái làn nhựa, cộng thêm tính cần cù và đôi bàn tay khéo léo là anh Nam đã có thể “tung hoành” khắp các ngóc ngách, quán trà đá, cà phê, thậm chí đến từng nhà để phục vụ các “thượng đế”.
Tại một số khu vực như Tượng đài Lê Lợi, Khu tưởng niệm Bác Hồ, quảng trường Lam Sơn, công viên Thanh Quảng... những ngày cuối năm luôn nhộn nhịp người đi dạo phố và mua sắm tết. Tận dụng điều đó, nhiều người đã tranh thủ đến đây để mưu sinh nhờ vào nghề bán bong bóng đủ sắc màu. Đặt gần 100 quả bóng bay đủ hình thù, màu sắc... và bán ngay tại khu vực quảng trường Lam Sơn để thu hút người mua, chỉ sau vài giờ đồng hồ, chị Nguyễn Thị Nga ở phường Quảng Phú (TP Thanh Hóa) đã bán được gần 50 quả bong bóng. “Dịp này, mọi người đi dạo phố, du xuân sớm đông đúc, nên mình bán hàng dễ dàng hơn. Ngày thường, giá mỗi quả bóng bay tầm 15 nghìn đồng, còn cận tết thì 20 - 30 nghìn đồng, nhưng mọi người vẫn mua nườm nượp. Nếu như ngày thường, tôi chỉ bán được từ 10 - 20 quả, thì từ 20 tháng Chạp trở đi, bình quân mỗi ngày, tôi bán được 50 - 70 quả, thu về lợi nhuận 250 - 300 nghìn/ngày”, chị Nga vui mừng kể.
Chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương, từ khoảng 19 giờ đến sáng luôn nhộn nhịp các phương tiện, người qua lại đông đúc không có lối chen chân. Đây là chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh với trên 700 ki-ốt kinh doanh cố định và trên 500 điểm kinh doanh không cố định. Vào những ngày giáp tết lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành đổ về nhiều hơn và cũng là cơ hội để lao động tự do kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và có một cái tết no đủ hơn.
Trong cái giá lạnh giữa đêm thế nhưng anh Phạm Văn Hà ở xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) mồ hôi nhễ nhại, bởi anh phải kéo trên vai hàng chục thùng bưởi. "Muốn con cái có được một cái tết ấm thì vất vả mấy cũng phải cố. Hôm nào chúng tôi cũng làm việc từ đầu tối cho đến rạng sáng hôm sau".
Anh Hà cho biết, thường ngày, anh chỉ làm đến khoảng 1 - 2 giờ sáng là nghỉ, nhưng tháng tết, để có thêm chút ít, anh làm xuyên đêm từ 17 giờ hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau mới nghỉ. "Vất vả thì cũng có mỗi tháng cuối năm. Cố làm thêm để kiếm tiền về tiêu tết, con cái đi học tốn kém lắm. Hôm nào vừa bốc vác, vừa kéo xe thuê thì kiếm được 500.000 - 700.000 đồng, hôm nào việc ít, trung bình làm cả đêm cũng chỉ được 300.000 - 400.000 đồng" - anh Hà nói. Theo anh Hà, ở khu chợ này, lao động làm công việc khuân vác không phân biệt nam, nữ chỉ cần có sức khỏe, bền bỉ và dẻo dai là sẽ được chủ thuê.
Những người lao động như anh Nam, chị Nga, anh Hà... luôn cố gắng kiếm tiền dịp cuối năm, họ đang chạy đua với thời gian, miệt mài làm việc để có thêm thu nhập. Bởi, mỗi lần tết đến là một lần lo toan, khi cuộc sống còn đầy những thiếu thốn. Nhọc nhằn, vất vả mưu sinh bằng chính công sức của mình, góp phần mang lại cái tết ngọt ngào, đủ đầy cho “tổ ấm” của mình.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tat-bat-muu-sinh-ngay-cuoi-nam-35126.htm