Bộ Y tế nêu giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn doanh nghiệp

Việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của giám đốc/chủ doanh nghiệp...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, cử tri tỉnh Cà Mau phản ánh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bố trí lao động làm việc theo ca và tổ chức bữa ăn ca. Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức lao động cho người lao động, cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Do đó, cử tri mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có những giải pháp và quy định cụ thể về chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp.

Về nội dung cử tri quan tâm, Bộ Y tế cho biết việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp thuộc trách nhiệm giám đốc/chủ doanh nghiệp.

Về phía Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ dinh dưỡng, và các quy định về điều kiện an toàn đối với bếp ăn tập thể.

Năm 2016, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 07c/NQ-BCH về chất lượng bữa ăn của người lao động, trong đó đề ra các giải pháp và nhiệm vụ chi tiết cụ thể; cơ chế phối hợp giữa công đoàn cơ sở với công đoàn cấp trên, với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đông người mắc, như ở tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Đồng Nai.

Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, và ban hành Công văn số 2487 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Công văn số 3113 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm gửi các địa phương.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 787 về việc tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp và đơn vị.

Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Mặt khác, cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và công đoàn trong việc tham gia kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, giám sát điều kiện vệ sinh, kiểm thực ba bước, và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Nghiên cứu và áp dụng các mô hình quản lý, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể theo hướng bền vững, tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.100 người mắc và 6 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%), số tử vong giảm 5 người (45,5%). Số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc, nhưng tăng ở khu vực duyên hải miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ.

Phân tích của Bộ Y tế cho thấy ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, gia đình, đám cưới/giỗ/liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc, nhưng có xu hướng gia tăng tại quán ăn, nhà hàng/khách sạn, nhất là do thức ăn đường phố (ví dụ ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng).

Đáng chú ý, thời gian vừa qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căn tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP. HCM).

Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính do vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên. Các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật chủ yếu là các sản phẩm thịt lợn qua chế biến, các món ăn có chứa thịt gà…

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-y-te-neu-giai-phap-dam-bao-an-toan-thuc-pham-tai-bep-an-doanh-nghiep.htm