Bộ Y tế phản hồi việc bác sĩ có học vị cao quảng cáo thực phẩm chức năng

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết các cá nhân trong ngành Y tế, bao gồm bác sĩ, không được tự ý phát ngôn, chia sẻ, giới thiệu sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng dưới danh nghĩa chuyên môn y khoa, nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kể cả trên mạng xã hội...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gửi phản ánh đến Bộ Y tế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết hiện nay, tình trạng các bác sĩ có học hàm, học vị cao làm đại diện quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng và thuốc điều trị bệnh xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội.

Vì vậy, cử tri đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Phản hồi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Bộ Y tế dẫn thông tin theo quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật Quảng cáo năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), việc quảng cáo thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về nội dung, hình thức, đối tượng thực hiện. Đồng thời, phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thẩm định, cấp phép.

Luật mới đã bổ sung quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân chuyển tải nội dung quảng cáo. Trong đó, yêu cầu xác minh tính xác thực, nguồn gốc thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Riêng đối với lĩnh vực y tế, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, và các văn bản sửa đổi, bổ sung, chỉ các cơ sở có giấy phép quảng cáo và nội dung quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe), hoặc Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (đối với thuốc) xác nhận mới được phép thực hiện.

"Cá nhân, trong đó bao gồm bác sĩ, không được tự ý phát ngôn, chia sẻ, giới thiệu sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng dưới danh nghĩa chuyên môn y khoa, nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kể cả trên mạng xã hội", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Bộ này đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều đợt thanh tra, xử lý các cá nhân, trong đó có người nổi tiếng và cả nhân viên y tế có hành vi quảng cáo sai sự thật.

Riêng năm 2023 và 2024, hơn 150 trường hợp vi phạm quảng cáo thuốc và thực phẩm đã bị xử lý hành chính, với tổng mức phạt trên 5 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trên các nền tảng số, trong đó có mạng xã hội xuyên biên giới.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng danh nghĩa chuyên môn y tế để quảng cáo sai lệch, nhất là trên nền tảng mạng xã hội.

Bộ cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật và ban hành các hướng dẫn chuyên ngành, để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo liên quan đến thuốc, và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức nghề nghiệp và Sở Y tế các địa phương tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ y tế, bác sĩ về hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Qua đó, góp phần bảo vệ hình ảnh, uy tín của ngành y và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-y-te-phan-hoi-viec-bac-si-co-hoc-vi-cao-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang.htm