Bộ Y tế trả lời cử tri về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch
Cử tri Tây Ninh vừa qua đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ở khu vực nông thôn áp dụng với đối tượng là cá nhân và hộ gia đình.
Lý do, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có dưới 20% hộ dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại trên 80% sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ khác (giếng khoan, giếng đào...). Trước đây, căn cứ Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17.6.2009 của Bộ Y tế quy định các chỉ tiêu chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, theo đó các đối tuợng áp dụng quy chuẩn và số lượng chỉ tiêu xét nghiệm tương ứng với từng đối tượng.
Cụ thể, đối với các cơ sở cung cấp nước có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm sẽ thực hiện xét nghiệm 14 chỉ tiêu và đối với các cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng cho mục đích sinh hoạt sẽ xét nghiệm 10 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến ngày 30.6.2021, Thông tư số 05/2009/TT-BYT chính thức hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14.12.2018 của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, nhưng hiện nay Thông tư số 41/2018/TT-BYT chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nước sạch nông thôn, nước sinh hoạt hộ gia đình, chỉ áp dụng một mức quy chuẩn chung cho mọi loại hình cấp nước, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các chỉ tiêu để thực hiện xét nghiệm mẫu nước đối với các đối tuợng này.
Bộ Y tế trả lời như sau:
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 của Chính phủ ban hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và để bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước sạch cho người dân thành thị và nông thôn, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14.12.2018 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-L2018/TT-BYT). Quy chuẩn QCVN 01- 1:2018/TT-BYT gồm có 99 thông số và ngưỡng giới hạn cho phép của từng thông số (trong đó có 8 thông số bắt buộc tất cả các đơn vị cấp nước phải thử nghiệm và 91 thông số do UBND tỉnh xem xét, lựa chọn đưa vào quy chuẩn kỹ thuật địa phương).
Tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 41/2018/TT-BYT, UBND tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Theo đó, từng địa phương sẽ quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát chất lượng nước của từng loại hình cấp nước và từng loại nguồn nước (bao gồm cả cấp nước nhỏ lẻ khu vực nông thôn).
Như vậy, việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với công trình cấp nước nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Sau khi UBND tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương thì việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đối với công trình cấp nước nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn sẽ áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định này quy định về các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn... Do đó, nước sạch sử dụng trong sinh hoạt của các hộ gia đinh tự khai thác (giếng khoan, giếng đào...) không thuộc hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh và không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư số 41/2018/TT-BYT.
Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch để ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hình thức nước sạch do hộ gia đình tự khai thác như giếng khoan, giếng đào, bể mưa, máng lần để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát nguồn nước hộ gia đình và bảo đảm sức khỏe người dân.