Bộ Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức ngày 19-7, tại TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo ngày 4-7-2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Phi-líp-pin đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó có 93 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Nhiều nước như: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... đã ghi nhận số mắc hàng tuần tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo còn diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long...
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng cao, có khoảng 87.000 ca sốt xuất huyết, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018; có 6 người đã tử vong tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong 5 tuần gần đây số bệnh nhân tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Riêng TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay ghi nhận xảy ra 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 10.182 ca), có 5 trường hợp tử vong.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc với hơn 700 điểm cầu kết nối tới các quận, huyện; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo triển khai tháng hành động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết tại 47 tỉnh thành phố trọng điểm; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch cho các địa phương… tuy nhiên, sốt xuất huyết vẫn tăng. Nguyên nhân chính được cho là do thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang… là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng phát triển, truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để.
Theo Bộ Y tế, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự phối hợp, chủ động của các ban ngành đoàn thể một số nơi trong phòng chống sốt xuất huyết chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng về phòng chống sốt xuất huyết cũng chưa được nâng lên, người dân không chủ động diệt bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ và diệt lăng quăng hàng tuần… làm cho công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn về các giải pháp cơ bản trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Nhiều đại biểu đã trao đổi. chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng, chống sốt xuất huyết như: Lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết, mỗi đội từ 2 đến 3 người gồm cán bộ tổ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cộng tác viên dân số; mỗi đội phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình, có đội phụ trách khu vực công cộng riêng. Bên cạnh đó, cần có nội dung và hình thức tuyên truyền sinh động, gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng, không tuyên truyền chung chung; tổ chức các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ với nhiều hình thức hướng dẫn cụ thể để người dân biết các phòng, chống dịch sốt xuất huyết một cách chủ động; tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy quy mô lớn tại tất cả các tỉnh thành phố từ nay đến cuối năm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, công tác tuyên truyền của bộ phận truyền thông ngành y tế các địa phương chưa hiệu quả cao, trước giờ không có hướng dẫn cụ thể để người dân biết mà chỉ nói chung chung, mới chỉ nói được là cần phát quang bụi lậm, khai thông cống rãnh… nên hiệu quả thấp. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện cần phân loại không để bệnh nhân nằm la liệt, người bị bệnh nặng nằm chung với người mới bị bệnh. Đồng thời, cần nhận biết bệnh nào nặng nhẹ phân loại để khám chữa cho phù hợp, những bệnh nhân ở độ 3, độ 4 thì chuyển về bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện vệ tinh, không tập trung tất cả bệnh nhân tại bệnh viện tuyến trên, khi đông bệnh nhân quá sẽ không thể kiểm soát hết được.