Bộ Y tế xử lý 16.429 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Từ ngày 1/1/2023 đến nay, Bộ Y tế đã hậu kiểm 513.061 cơ sở, phát hiện 44.739 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, 16.429 cơ sở đã bị xử lý, phạt tiền 14.274 cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới 66,7 tỷ đồng.

Phát hiện 44.739 cơ sở vi phạm về ATTP

Bộ Y tế vừa trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau Kỳ họp thứ 7 về giải pháp để xử lý thực phẩm bẩn và chế tài để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển thực phẩm bẩn.

Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế triển khai các giải pháp để xử lý thực phẩm bẩn và giám sát chặt chẽ, đề ra chế tài mạnh để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển thực phẩm bẩn; xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi kinh doanh gian dối, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và những người có trách nhiệm liên quan.

Bộ Y tế cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về ATTP từ Trung ương đến địa phương.

Công tác này được tiến hành xuyên suốt cả năm, đặc biệt tập trung vào các thời điển tiêu thụ thực phẩm nhiều như Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân, Tết Trung thu... và giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và lễ hội.

Trong quá trình hậu kiểm, nhiều vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Các kết quả này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Minh Khuê.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Minh Khuê.

“Từ ngày 1/1/2023 đến nay, Bộ Y tế đã hậu kiểm 513.061 cơ sở, phát hiện 44.739 cơ sở vi phạm về ATTP. Trong đó, 16.429 cơ sở đã bị xử lý, phạt tiền 14.274 cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới 66,7 tỷ đồng.

Các biện pháp xử phạt bổ sung bao gồm: Đình chỉ hoạt động của 136 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 635 cơ sở với tổng số 253.210 loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, đồng thời chuyển giao cho cơ quan công an hai vụ việc liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm và một vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả”, Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến trên 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm, buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm...

Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm, vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả.... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để triển khai các biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa tình trạng vi phạm về ATTP. Các vi phạm như sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sử dụng chất cấm, quảng cáo sai sự thật, lợi dụng mạng xã hội để lừa dối người tiêu dùng sẽ được xử lý nghiêm minh.

Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh truyền thông, cảnh báo về các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn và công khai danh sách các cơ sở vi phạm để người dân biết và phòng tránh.

Kiến nghị giảm phí đóng BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh đó, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế có chính sách giảm chi phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền chữa bệnh nhưng không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trả lời cử tri, Bộ Y tế cho biết, để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Nhà nước đã đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng có chính sách ưu đãi, cụ thể: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Bên cạnh đó, căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, các tỉnh, thành phố có thể quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

“Với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng BHYT hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật”, Bộ Y tế trả lời.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-y-te-xu-ly-16429-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham-178471.html