Bộ Y tế: Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch cúm A để đầu cơ, đẩy giá thuốc lên cao
Trước phản ánh về việc một số cửa hàng thuốc đẩy giá thuốc Tamiflu lên cao, các mối buôn ôm hàng… khi số ca mắc cúm A tăng mạnh, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc kháng virus điều trị cúm, đồng thời đảm bảo cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc…
Ngày 28/7, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Theo đó, để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt là đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Cụ thể, chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc như: niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố. Đồng thời, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi, nhất là thuốc Tamiflu.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng vi rút dùng trong điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó vi phạm về kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
“Đối với các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế, cần chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc”, Cục Quản lý dược nêu rõ.
Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý dược yêu cầu chủ động lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Ngoài ra, các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả; đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc; tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh cúm A, hiện nay ở một số hiệu thuốc Hà Nội, không khó để chứng kiến cảnh nhiều người dân chen chúc mua thuốc Tamiflu về nhà tự điều trị cho người thân mắc bệnh.
Nhu cầu tăng đột biến khiến giá thuốc Tamiflu cũng vì thế gia tăng.
Trước tháng 7, thuốc Tamiflu trên thị trường có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, đến nửa đầu tháng 7 đã tăng lên 520.000 đồng/hộp. Có cửa hàng còn bán thuốc Tamiflu với giá 770.000 - 1 triệu đồng vỉ 10 viên nang, với lời quảng cáo là “hàng xách tay”.
Theo Sức khỏe và Đời sống, cùng với thuốc Tamiflu, kit xét nghiệm cúm A cũng trở thành mặt hàng "hot" được rao bán nhiều trên nhiều chợ thuốc online. Tại các sàn thương mại điện tử, test nhanh kháng nguyên virus cúm A/B có giá bán dao động từ 70.000 - 110.000 đồng/kit test. Tại các hiệu thuốc, lượng khách hỏi mua mặt hàng này cũng tăng đột biến.