Bộ Y tế yêu cầu không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, các địa phương không nên chủ quan, lơ là phòng chống dịch.

Bệnh nhân Vũ Thị Hiền (62 tuổi) ở Hà Nội đã bị sốt 3 ngày nay. Trước đó ở nhà, bà Hiền chỉ dùng hạ sốt. Tuy nhiên, thấy sốt cao liên tục, kèm đau đầu, buồn nôn, bà đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để khám, xét nghiệm và chỉ định nhập viện để điều trị. “Mẹ tôi bị sốt cao, uống thuốc hạ sốt không thấy hạ. Bà cũng bị đau đầu, cứ ăn vào là nôn hết, người cứ lả đi”- người nhà bà Hiền nói.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Thẩm (59 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) cũng chia sẻ, bà được chẩn đoán mắc và chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã 2 ngày nay. Được biết, trước đó, bà đã nằm điều trị tại trạm y tế xã khoảng 3 ngày nhưng các triệu chứng như: Sốt, đau đầu dữ dội, tăng huyết áp không giảm. “Bây giờ, tôi vẫn còn bị đau đầu, giảm sốt, người bắt đầu nổi mẩn. Bác sĩ cũng dặn tích cực ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, sữa để giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa”- bà Thẩm nói.

Tại Khoa Virus- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, theo thống kê, trong tháng 9/2019, tại 2 cơ sở của Bệnh viện có khoảng 427 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Hiện có khoảng 70 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Khoa Virus-Ký sinh trùng. TS.BS Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết,theo chu kỳ, từ tháng 8-12 là đỉnh dịch của sốt xuất huyết. Biểu hiện rõ nhất của bệnh là sốt và mệt mỏi. Trong đó, một số ca biến chứng gây suy đa tạng, tổn thương gan, sốc.

Bệnh nhân Vũ Thị Hiền (62 tuổi, ở Hà Nội) đang được điều trị tại Khoa Virus- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân Vũ Thị Hiền (62 tuổi, ở Hà Nội) đang được điều trị tại Khoa Virus- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

“Đây là giai đoạn đỉnh dịch, nhiều người có thể bị nhiễm virus denge. Vì vậy, trong trường hợp có dấu hiệu bị sốt, người bệnh cần đến các sở y tế để khám và làm xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ theo dõi sớm và có các biện pháp điều trị, hạn chế các biến chứng nặng của sốt xuất huyết denge”- TS.BS Trần Văn Giang cho biết.

Theo BS Giang, sốt xuất huyết là bệnh đã tồn tại rất lâu và đều có hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị. Vì vậy, các bệnh viện đều có thể chẩn đoán, điều trị được, chỉ những trường hợp biến chứng nặng, người bệnh mới cần phải chuyển lên tuyến trên, tránh tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép.

Hiện có khoảng 70 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Khoa Virus-Ký sinh trùng.

Hiện có khoảng 70 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Khoa Virus-Ký sinh trùng.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm, đặc biệt là tại những tỉnh, thành được coi là điểm nóng về dịch như Đồng Nai, Bình Dương, TP Đà Nẵng, TP HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, ông Tấn cũng lưu ý các đơn vị, các địa phương không chủ quan, lơ là, tiếp tục duy trì thường xuyên công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng. Phối hợp với người dân tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/bo-y-te-yeu-cau-khong-chu-quan-voi-dich-sot-xuat-huyet-965075.vov