Bộ Y tế yêu cầu ngăn chặn khẩn dịch bệnh bạch hầu

Chiều 8-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sau khi ghi nhận 1 ca tử vong và 1 ca mắc do tiếp xúc gần.

Theo đó, để phòng chống bệnh bạch hầu và ngăn chặn, không để dịch bệnh bạch hầu lan rộng, Bộ Y tế đề nghị sở y tế 2 địa phương trên tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, các địa phương đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

 Các địa phương cần tăng cường phòng chống dịch bệnh bạch hầu

Các địa phương cần tăng cường phòng chống dịch bệnh bạch hầu

Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, vào sáng 8-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông báo ghi nhận 1 bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu là chị P.T.C. (ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn).

Bệnh nhân P.T.C. khởi phát bệnh từ ngày 24-6 với biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân được đưa tới Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn, rồi chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị nhưng do nhiễm bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng nên bệnh nhân đã tử vong vào sáng 5-7.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định, có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát bệnh đến lúc tử vong.

 Người mắc bệnh bạch hầu thường có biểu hiện ho, sốt, viêm họng và kéo giả mạc ở amidal

Người mắc bệnh bạch hầu thường có biểu hiện ho, sốt, viêm họng và kéo giả mạc ở amidal

Trong khi đó, CDC tỉnh Bắc Giang đã xác định được ca bệnh bạch hầu đầu tiên ở địa phương này là chị M.T.B. (18 tuổi, ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Chị M.T.B. là một trong số trường hợp tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu nêu trên tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Hiện nay, chị M.T.B. đã được Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đưa lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, do hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh dễ lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Bạch hầu được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao. Người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Người mắc bạch hầu thường có biểu hiện ban đầu là ho, sốt, đau họng, sưng hạch ở cổ và có giả mạc màu trắng xám dính ở amidal hoặc thành họng.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-y-te-yeu-cau-ngan-chan-khan-dich-benh-bach-hau-post748302.html