Bộ Y tế yêu cầu rà soát hoạt động kê đơn thuốc, bán sữa tại bệnh viện

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa, siết chặt công tác kê đơn...

Các loại thuốc giả vừa bị thu giữ. Ảnh: CA Thanh Hóa

Các loại thuốc giả vừa bị thu giữ. Ảnh: CA Thanh Hóa

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký văn bản yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật trong khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, thông tin từ một số cơ quan, đơn vị và phản ánh trên phương tiện truyền thông về tình trạng nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn người bệnh, người nhà về việc sử dụng các sản phẩm sữa do một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối và được điều tra, phát hiện là sữa giả và việc sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn…

Để siết chặt công tác kê đơn, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc đang sử dụng, đối chiếu với danh sách các loại thuốc giả đã bị phát hiện. Nếu phát hiện vi phạm, các đơn vị phải xử lý nghiêm theo quy định.

Đặc biệt, các cơ sở y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nếu phát hiện những hành vi sau trong khám bệnh, chữa bệnh: Việc kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc đối với các thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám chữa bệnh hoặc kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi; Lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi; Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận.

Đối với việc tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng... cho người bệnh, người nhà.

Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, ghi nhãn, sản phẩm không phải là thuốc nhưng lại được gán công dụng chữa bệnh, điều trị, phòng bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý. Tuyệt đối không được lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người bệnh.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-y-te-yeu-cau-ra-soat-hoat-dong-ke-don-thuoc-ban-sua-tai-benh-vien-post728131.html