Sữa giả, thuốc giả và trách nhiệm hậu kiểm
Liên tiếp nhiều vụ sản xuất thực phẩm độc hại, thực phẩm chức năng giả, sữa giả, thuốc giả có quy mô lớn bị phanh phui. Điều đó cho thấy, nước ta đang rất mạnh tay trấn áp các loại tội phạm này.
Tuy nhiên, nó cũng phơi bày một thực tế, các lực lượng quản lý thị trường rất tắc trách, để doanh nghiệp ngang nhiên quảng cáo, tuồn hàng giả, hàng độc hại ra thị trường trong thời gian dài với số lượng lớn. Hậu quả không chỉ gây tổn hại về kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm mới, tước đi cơ hội khởi nghiệp của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp khác.
Nước ta chủ trương thực hiện tiền kiểm thông thoáng để tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng các cơ quan phải có trách nhiệm rất cao trong hậu kiểm, để mọi sản phẩm hàng hóa được cung ứng ra thị trường đều bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan. Không thể để xảy ra tình trạng khi xây dựng chính sách, cơ quan nào cũng muốn mình “có phần” tham gia quản lý, nhưng khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì thoái thác trách nhiệm, coi như mình không liên quan.

Lực lượng chức năng kiểm tra các loại sữa trên thị trường.
Có lẽ, Bộ Công Thương chỉ nên quản lý thị trường nói chung, như về giá cả, cạnh tranh, xử lý hàng giả, hàng lậu... còn quản lý chất lượng từng loại hàng hóa phải quy định cụ thể cho từng bộ, ngành có đủ năng lực phân tích thành phần cấu thành, chất lượng hàng hóa để rõ trách nhiệm hậu kiểm.
Hậu kiểm không phải là nhảy vào doanh nghiệp để kiểm tra, mà là lấy mẫu hàng hóa thực tế ngoài thị trường để kiểm nghiệm độc lập. Không lý gì một người dân bình thường có thể tự mua hàng đi kiểm nghiệm độc lập, mà cơ quan quản lý lại không làm được. Có như vậy mới chấm dứt được sự gian lận quy mô lớn như những vụ việc vừa qua.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/sua-gia-thuoc-gia-va-trach-nhiem-hau-kiem-824996