Bộ Y tế yêu cầu rà soát, xử lý bác sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, viện trực thuộc rà soát, kiểm tra, xử lý nếu có tình trạng bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 17/4 nhìn nhận hiện có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Nghị định 15/2018 của Chính phủ cấm sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
"Như vậy, việc bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là vi phạm quy định của pháp luật", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh trong công văn gửi tới các bệnh viện, 21 viện và 13 trường đại học y, dược trực thuộc Bộ ngày 17/4. Trong 21 viện trực thuộc Bộ Y tế có Viện Dinh dưỡng.
Hai hiệp hội liên quan thực phẩm và Tổng hội Y học Việt Nam cùng 7 hội thành viên liên quan cũng nhận được thông báo này.
VietNamNet trong bài viết Chuyên gia y tế xuất hiện ở clip quảng cáo công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả phản ánh một số bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có tên tuổi tham gia ghi hình quảng cáo cho nhà máy sản xuất hoặc nhãn hiệu sữa.

Bác sĩ Lê Thị Hải xuất hiện trong đoạn giới thiệu sữa Talacmum. Ảnh cắt từ clip
Trong các video này, các bác sĩ đều mặc áo blouse trắng. Ví dụ, trong một video quảng cáo dài hơn 13 phút về dòng sữa Talacmum (hơn 10 nhãn khác nhau) của Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), đã nói rất chi tiết về nguyên liệu, thành phần, công dụng của loại sữa này. Bà Hải cho biết sữa Talacmum bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, dù sản phẩm công bố các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Nhằm hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên đây thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động đã nghỉ công tác) về tình trạng vi phạm trong quảng cáo trên.
Bộ Y tế đồng thời yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người vi phạm quy định sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.