Bộc lộ những bất cập trong thực hiện dự án RGEP
Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận thanh tra tài chính tại dự án đình đám của Bộ GD&ĐT (dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - RGEP). Theo đó, đơn vị này đã chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn tài chính của DA.
Tiến độ dự án chậm
Với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả công tác đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) và đổi mới phương thức đánh giá chất lượng GDPT, góp phần nâng cao chất lượng GDPT, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Dự án được triển khai với tổng số vốn là 80 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) là 77 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3 triệu USD.
Tập huấn giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt chuẩn bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới (nguồn BQLDA RGEP).
Các mục tiêu cụ thể như: hỗ trợ xây dựng, ban hành chương trình GDPT mới và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh; hỗ trợ đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng GDPT theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển chương trình GDPT mới và năng lực nghiên cứu về thi, kiểm tra đánh giá chất lượng GDPT, tăng cường năng lực khảo thí ngoại ngữ.
Ngày 8/4/2016, Chính phủ Việt Nam và WB đã ký Hiệp định tài trợ số 5691-VN cho Dự án và Hiệp định tín dụng có hiệu lực từ ngày 8/8/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện Dự án vẫn còn bất cập và bị chậm giải ngân so với tiến độ.
Theo Văn kiện dự án được phê duyệt, thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2020. Thực tế tiến độ thực hiện dự án chậm, tất cả các thành phần dự án đều không đảm bảo tiến độ so với thời gian phê duyệt của Văn kiện dự án và Hiệp định tín dụng. Các lần kiểm tra, đánh giá hằng năm, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo việc triển khai dự án chậm so với tiến độ đề ra.
Tổng kinh phí theo văn kiện dự án là 1.808.000 triệu đồng (80 triệu đô la Mỹ tính theo tỷ giá 22.600 đồng/USD), gồm: Vốn đối ứng 67.800 triệu đồng; vay 1.740.2000 triệu đồng.
Tổng kế hoạch vốn được giao từ năm 2015 đến 2019 là 298.142 triệu đồng, gồm vốn đối ứng 36.507 triệu đồng; vốn vay 298.142 triệu đồng. Tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn được giao là 47% tính gộp qua các năm. Lũy kế giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến tháng 9/2019 (4/5 năm thực hiện) mới chỉ đạt 140.527 triệu đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt 7,7% so với tổng kinh phí theo thiết kế dự án.
Theo Nghị quyết của Quốc hội thì bắt đầu từ năm học 2018 – 2019 sẽ triển khai chương trình và sách giáo khoa mới đổi với lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực hiện nghiệm thu và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đảm bảo theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88/2014/QH13 và Quyết định số 404/QĐ-TTg, thời gian thực tế kéo dài hơn khoảng 2 năm so với dự kiến.
Việc thực hiện dự án RGEP chậm là nguyên nhân chính dẫn đến việc Bộ GDĐT phải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Một số nội dung dự án không thực hiện
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, ngay khi đi vào thực hiện, văn kiện DA (Báo cáo khả thi) được duyệt còn có một số nội dung trùng lặp chương trình, DA khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trong đó, có bốn nội dung hoạt động của DA RGEP bị trùng lặp cũng đang được triển khai có giá trị tổng kinh phí là 6,98 triệu USD. Ngoài ra, tổng giá trị kinh phí được phân bổ cho một số nội dung DA không thực hiện được do quá trình triển khai thực hiện thấy không phù hợp hơn 3,65 triệu USD.
Bên cạnh đó, việc biên soạn bộ SGK (do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện) thuộc tiểu thành phần 2.1 với kinh phí phân bổ là hơn 16 triệu USD đang bị chậm triển khai thực hiện.
Kế hoạch tổng thể thực hiện dự án có sự điều chỉnh nội dung kinh phí so với Văn kiện dự án được phê duyệt nhưng Ban quản lý DA không có tài liệu thuyết minh sự cần thiết phải điều chỉnh.
Tập huấn giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt chuẩn bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới (nguồn BQLDA RGEP).
Chẳng hạn như tại Tiểu mục 3.2.1 Văn kiện dự án duyệt là tập huấn, bồi dưỡng cho cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyên viên Bộ GD&ĐT với kinh phí 4.239.900 USD. Tại sổ tay thực hiện DA là hỗ trợ nghiên cứu phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh với kinh phí 5.564.000 USD. Song nội dung các công việc chi tiết của tiểu mục cũng thay đổi.
Tại tiểu mục 3.2.2 Văn kiện dự án duyệt là hỗ trợ nghiên cứu khoa học Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông với kinh phí chương trình là 2.400.000 USD. Tại sổ tay thực hiện dự án là đào tạo, bồi dưỡng phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh với kinh phí 8.445.300 USD. Nội dung các công việc chi tiết của tiểu mục cũng thay đổi.
Tại tiểu mục 3.2.3 văn kiện dự án phê duyệt là Hỗ trợ nghiên cứu khoa học Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ với kinh phí 764.000 USD; tại tiểu mục 3.2.4 Văn kiện dự án là Phát triển năng lực Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông với kinh phí là 5.714.400 USD; tại tiểu mục 3.2.5 Văn kiện dự án là Phát triển năng lực Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ với kinh phí là 900.000 USD. Tại sổ thay thực hiện dự án, các nội dung này không còn thực hiện.
Nhân sự rối ren
Tại điều 2 Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 8/4/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DA nêu rõ, DA vay vốn ngân hàng không thành lập Ban quản lý dự án mới. Song trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có QĐ số 4653/QĐ–BGDĐT ngày 19/10/2015 thành lập mới Ban quản lý DA.
Như vậy việc Bộ GD&ĐT có Quyết định thành lập Ban quản lý DA mới là chưa phù hợp, và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí trước và sau khi có quyết định thành lập Ban quản lý dự án đến nay, Bộ GĐ&ĐT cũng chưa báo cáo giải trình lý do và xin phép Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Thanh tra Bộ Tài chính, nhân sự bộ phận tài chính của DA, có nhiều thay đổi. Cụ thể, quá trình thực hiện DA từ năm 2016 đến thời điểm thanh tra, Bộ GD&ĐT đã có một số quyết định về nhân sự bộ phận quản lý tài chính của DA. Chính xác vào ngày 19/10/2015, Bộ đã có Quyết định số 4563/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm ông Đoàn Văn Ninh làm Giám đốc BQL DA và bà Trần Thị Kim Thúy - chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD&ĐT làm kế toán trưởng BQL DA RGEP.
Sau đó, ngày 8/1/2018, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 68/QĐ-BGDĐT về việc bà Trần Thị Kim Thúy thôi kiêm nhiệm tại BQL DA RGEP. Ngày 20/1/2018, Giám đốc BQL DA RGEP ban hành Quyết định số 06/QĐ-RGEP bổ nhiệm bà Lê Thị Ninh Hà làm phụ trách kế toán BQL. Đến tháng 2/2019, bà Lê Thị Ninh Hà xin thôi làm việc theo chế độ hợp đồng tư vấn với BQL DA RGEP. Thực tế, bà Lê Thị Ninh Hà là cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng tư vấn nên bổ nhiệm phụ trách kế toán là chưa đúng theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý DA RGEP.
Về trường hợp ông Đoàn Cường, ngày 1/3/2019 được bổ nhiệm làm kế toán trưởng BQL các DA Bộ GD&ĐT và làm kế toán trưởng BQL DA RGEP. Thế nhưng, từ tháng 9/2019, ông Đoàn Cường được được cử đi học Chính trị cao cấp hệ tập trung (9 tháng). Thời gian này, nhiệm vụ kế toán trưởng ngưng không có người thay thế.
Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra ngay ở Sổ tay thực hiện DA, bộ phận tài chính của BQL DA RGEP có 5 người (trừ kế toán về xây dựng) nhưng tại thời điểm thanh tra, BQL DA chỉ có một kế toán tổng hợp, một kế toán thanh toán làm việc theo hợp đồng, riêng thủ quỹ đang nghỉ theo chế độ thai sản.
Việc thiếu kiện toàn về tổ chức, nhân lực bộ phận quản lý tài chính của BQL DA RGEP như trên, dẫn đến thực tế là hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác tài chính kế toán của DA. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc DA triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán chậm, để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót trong quản lý tài chính DA.
Thuê chuyên gia, chi trả lương, phụ cấp không đúng
Năm 2016 BQLDA RGEP ký hợp đồng với 18 chuyên gia trong nước để chuẩn bị các công việc hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và ký hợp đồng chuyên gia ngắn hạn trong nước với ông Nguyễn Minh Thuyết để hỗ trợ BQLDA chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án. BQLDA đã thanh toán chi trả lương cho các chuyên gia tư vấn 367 triệu đồng là không đúng nguồn kinh phí.
Cũng theo Thanh tra Bộ Tài chính, việc chi trả phụ cấp công vụ cho cán bộ biệt phái, kiêm nhiệm không đúng chế độ quy định. Cụ thể, để phục vụ cho hoạt động của dự án, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành các quyết định về việc điều động, biệt phái một số cán bộ công chức thuộc biên chế các đơn vị của Bộ sang làm việc giữ cương vị chủ chốt tại BQLDA RGEP.
Từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2019, BQLDA RGEP đã thực hiện chi trả các khoản phụ cấp quản lý dự án cho cán bộ biệt phái, kiêm nhiệm làm việc tại BQLDA là hơn 900 triệu đồng, trong đó phụ cấp công vụ là hơn 147 triệu đồng là không đúng quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/boc-lo-nhung-bat-cap-trong-thuc-hien-du-an-rgep-post79164.html