Bóc tách tín ngưỡng thờ cây tầm gửi

Nghiên cứu khoa học về ma thuật, bùa chú của James George Frazer - 'Cành vàng' có nhắc đến tín ngưỡng thờ cây tầm gửi.

 Tranh minh họa: Irish Medieval History.

Tranh minh họa: Irish Medieval History.

Về tín ngưỡng thờ cây, J. Frazer còn giới thiệu một ví dụ khá đặc sắc về loại cây tầm gửi.

Người nguyên thủy quan sát thấy về mùa đông, cây tầm gửi mọc trên cây sồi thì vẫn xanh tốt, trong khi đó bản thân cây sồi thì héo khô rụng hết lá. Bởi vậy, người nguyên thủy nghĩ rằng, thần linh cây sồi đã tìm cách đặt sự sống của mình vào một nơi nào đó chắc chắn và đã chọn cây tầm gửi cho công việc đó, thứ cây này ưa thích khu vực lơ lửng giữa trời và đất và do đó có thể là ít phải phơi mình ra trước những điều bất hạnh.

Quan niệm cho rằng cây tầm gửi sở dĩ có được đặc tính thần bí là do nó không trực tiếp mọc lên từ lớp đất, cũng tương tự liên quan đến loại cây lê đá mọc trên núi.

Cây lê đá cũng là loại cây mọc trên ngọn một thứ cây khác trên núi đá, được coi là loại cây thiêng có tác dụng chống lại mọi bùa chú, ma thuật. Ở Thụy Điển và Na Uy, dân bản địa coi lê đá là loại cây có đặc tính ma thuật, bởi nó không mọc theo cách thông thường mà là mọc trên một cây khác, hoặc giữa một khe nứt trên tảng đá, tại đó nó đã nảy mầm từ một hạt giống do đàn chim cắp tới.

Người bản địa bảo rằng một người đi ra ngoài trong đêm tối phải mang theo một cành lê đá để nhai, nếu không người đó có nguy cơ bị yểm bùa. Cũng như vậy, ở vùng Scandinavie, người ta coi cây lê đá ký sinh như một lá bùa chống lại các trò ma thuật phù phép.

Ở Đức, người ta cũng coi cây tầm gửi ký sinh thường xuyên được coi như có tác dụng chống lại ma thuật bùa chú. Tại Thụy Điển, người ta cũng treo cây tầm gửi lên trước cửa nhà, lên máng ăn của ngựa, của bò với niềm tin cho rằng thứ cây đó là thứ bùa chú khiến quỷ thần không thể làm hại người hay đàn súc vật.

Khi luận bàn về cây tầm gửi ở Chương 68, chương “áp út” của cuốn sách, tác giả J. Frazer dường như có hàm ý muốn hé lộ cho độc giả biết vì sao cuốn “bách khoa thư ma thuật” của mình lại mang tên Cành vàng.

Và J. Frazer đã mượn lời của Virgile, nhà thơ Latinh (70-19 TCN), qua anh hùng ca Énéide. Khi cho rằng Cành vàng là cây tầm gửi, nhà thơ Virgile chỉ có ý so sánh chứ không đồng nhất Cành vàng với cây tầm gửi. Tuy nhiên J. Frazer lại nhận định rằng, có thể đây chỉ là một cách làm trong thi ca, muốn bao bọc đám lá cây khiêm tốn trong một vầng hào quang thần bí, hoặc là, có nhiều khả năng, việc mô tả của nhà thơ, tác giả bản trường ca Énéide, là dựa vào một tín ngưỡng dân gian của người nguyên thủy.

Nhà thơ đã kể lại chuyện một đôi chim bồ câu, dẫn dắt nhân vật Eneé trong thiên anh hùng ca đi trong dải thung lũng buồn thảm, nơi Cành vàng mọc ra:

“Như vậy là sau khi đã nảy mầm,

Người ta nhìn thấy trên cây sồi, cây tầm gửi nở hoa. Mặc dầu cây tầm gửi không được gieo hạt giống tại đó, Và mùa đông, rực rỡ ánh vàng từ quả cây tầm gửi.

Tựa như Cành vàng nổ lép bép trên cây sồi xanh, trước làn gió nhẹ đang lay động cây sồi”.

Ở đây, nhà thơ mô tả một cách rõ ràng Cành vàng tựa như mọc ra trên cây sồi xanh và so sánh nó với cây tầm gửi. Kết luận tất yếu rút ra từ đó là Cành vàng chẳng phải cái gì khác mà chính là cây tầm gửi được ngắm nhìn thông qua màn sương mù của thơ ca hoặc tư tưởng của tín ngưỡng dân gian nguyên thủy.

Sau đó, tác giả J. Frazer đã giải đáp thêm vì sao cây tầm gửi lại được gọi là Cành vàng. Và ông cho rằng, phải chăng cái tên gọi đó bắt nguồn từ màu vàng óng đẹp của một cành tầm gửi, màu sắc rực rỡ đó không chỉ thu hẹp ở đám lá cây mà lan rộng cả ra các cọng lớn. Cho nên quả thật toàn bộ cành cây có vẻ như một Cành vàng.

Ngoài ra, tác giả còn phân tích, theo nguyên lý của ma thuật vi lượng, cái tương đồng vẫy gọi cái tương đồng, ắt hẳn có một ái lực tự nhiên giữa một cành cây màu vàng với chất kim loại màu vàng. Gợi ý này được khẳng định bởi ví dụ tương tự về những tính năng kỳ diệu mà người ta thường gán cho những hạt dương xỉ huyền thoại. Ở Bohême, người ta bảo rằng người nào tìm được bông hoa bằng vàng của cây dương xỉ sẽ có trong tay chiếc chìa khóa để phát hiện mọi kho báu được cất giấu trong lòng đất.

Như vậy, theo J. Frazer, cũng không có gì phải ngạc nhiên khi cây tầm gửi chói sáng một màu vàng óng rực rỡ và được nhận tên gọi là Cành vàng.

GS Kiều Thu Hoạch/NXB Khoa học Xã hội & Omega+

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/boc-tach-tin-nguong-tho-cay-tam-gui-post1442722.html