Bóc trần sự thật sau nét vẽ nguệch ngoạc trên tranh triệu đô của Cy Twombly
Nhìn tranh của Cy Twombly, người ta liên tưởng đến nét vẽ nguệch ngoạc của một đứa trẻ 3 tuổi. Nhưng sự thật lại khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Tranh của Cy Twombly ẩn chứa một tâm hồn nghệ thuật kỳ lạ
Gần đây, một số bài viết chia sẻ loạt tác phẩm của cố họa sĩ họa sĩ đương đại Cy Twombly (1928-2011), được trưng bày như bộ sưu tập cố định của các bảo tàng nghệ thuật hiện đại trên thế giới thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.
Theo đó, các tác phẩm này hầu hết đều là những nét tô nguệch ngoạc giống như đứa trẻ tập vẽ, hay đơn giản là thử mực cho chiếc bút lâu ngày không sử dụng.
Đáng ngạc nhiên hơn, những tác phẩm này có giá trị từ 2 triệu USD đến tới 75 triệu USD – một con số khủng mà rất nhiều họa sĩ ngày nay mơ tới.
Trên các diễn đàn hội họa, rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra: “Chưa bao giờ thấy tranh con em mình mà mình vứt đi có giá trị như lúc này”; "Ở Việt Nam đầy những thiên tài như vậy, con tôi 5 tuổi là trong những thiên tài như vậy"; "Thật sự đáng kinh ngạc và nể phục tài hội họa của tác giả những bức tranh này. Và mình cũng vừa phát hiện ra thằng nhóc 5 tuổi nhà mình là 1 thần đồng nó cũng đã tạo ra những bức tranh đáng kinh ngạc như này"...
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Phúc - người am hiểu về nghệ thuật cho rằng, nhìn tranh của Cy Twombly, người ta liên tưởng đến nét vẽ nguệch ngoạc của một đứa trẻ 3 tuổi. Nhưng chứa đựng trong đó là cả một tâm hồn nghệ thuật kỳ lạ.
"Cái khó nhất của người nghệ sĩ, đó là tác phẩm phải chạm được vào dây thần kinh nào đó của công chúng. Hoặc lay động, hoặc ấm áp, hoặc buồn bã, hoặc sợ hãi, hoặc hi vọng, hoặc thất vọng, hoặc cảm nhận được sức mạnh cuộc sống. Tức là phải tạo ra được tia lửa, nó đủ đốt cháy cảm xúc, phải đập mạnh vào giác quan người thưởng thức. Cy đã làm xuất sắc điều đó", bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định.
Ông cũng lấy dẫn chứng lời tâm sự của Cy về các tác phẩm của mình rằng: "Đường nét vẽ của tôi giống như trẻ con, nhưng không phải trẻ con, rất khó để ngụy trang, muốn vẽ được như thế phải tự mình chiếu vào đường nét của đứa trẻ. Và để làm được vậy, người nghệ sĩ phải thực sự nhạy cảm".
Bác sĩ Trần Văn Phúc phân tích thêm ở góc độ kích thước. Tranh của Cy có kích thước, một bức tranh khổng lồ; hoàn toàn khác với việc cầm một cây bút màu nguệch ngoạc lên tờ giấy A4, hay vẽ lung tung lên tường nhà tùy thích. Khi vẽ bức tranh này, Cy đã phải chôn một cái cột thật chắc, ông cố định cây cọ khổng lồ lên cột, bằng cách nào đó nhúng được vào sơn đỏ, rồi vẽ những hình xoắn ốc lên xuống rất ổn định giống như một nét vẽ duy nhất.
Ông Trần Văn Phúc thừa nhận, mình vẫn chưa hiểu tại sao Cy làm được điều này. Bởi việc cầm bút di chuyển trên tờ giấy nhỏ hay trên tường nhỏ nó khác hoàn toàn với cầm cây cọ di chuyển trên màn vải khổng lồ 468x317cm. Đó không còn là di chuyển của cổ tay và ngón tay đơn thuần. Mà là chuyển động của cánh tay, vai, lưng, eo, chân, toàn cơ thể phải chuyển động với sự phân bổ lực cũng nhưng động học di chuyển phải cực kỳ khoa học, cực kỳ tinh tế, cực kỳ chuẩn xác, cực kỳ ổn định. Rất khó để có họa sĩ làm được điều này.
"Đó là đặc điểm xuyên suốt trong tranh của Cy Twombly, luôn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, chính xác, cẩn thận, khoa học trong từng đường nét. Người họa sĩ vừa phải có sức khỏe tốt, có trí tuệ tuyệt vời, có nền tảng kiến thức khoa học cơ bản vững vàng; bởi nếu chỉ cảm tính đơn thuần sẽ không thể tạo nên được bức tranh Untitled với đường nét vẽ kinh ngạc như vậy", ông Trần Văn Phúc nhấn mạnh.
Sự thật về những bức tranh triệu USD
Từ tranh cãi về tác phẩm 75 triệu USD của danh họa Cy Twombly, họa sĩ Hồng Hà liên tưởng đến những suy nghĩ chưa đúng của người "ngoại đạo" về hội họa.
Họa sĩ Hồng Hà cho rằng, Twombly cũng như Picasso, là nghệ sĩ tạo hình xuất chúng được đào tạo bài bản từ những học viện danh giá. Tài năng của họ là điều không thể phủ nhận.
"Nhưng nếu cứ mãi vẽ đẹp vẽ giỏi, không thể nào vượt qua cái bóng của những danh họa Phục Hưng. Thành thử, họ phải tìm cho mình lối đi riêng. Với nghệ sĩ (trình diễn hay sáng tác đều vậy), sẽ không thể tự khẳng định được mình nếu anh không là duy nhất hoặc tiên phong.
Picasso cho rằng nếu mô tả người (hoặc cảnh, vật) giống với họ (nó) nhất, đã có nhiếp ảnh. Và đó là lý do ông khai sáng ra trường phái lập thể. Cy Twombly cũng vậy, đã tự tạo ra chủ nghĩa biểu tượng lãng mạn cho mình. Và ông đã thành công.
Trong nghệ thuật, lãng mạn vượt ra khỏi mọi khuôn phép để thể hiện cái tôi của mình, đưa những giác quan và cảm xúc rất cá nhân của mình vào tác phẩm. Đó là kiểu nghệ thuật vị nghệ thuật. Khi đó, người nghệ sĩ dùng tác phẩm để giải tỏa những cảm xúc của riêng mình mà không có ý định thỏa mãn ai khác.
Cuối cùng, lịch sử nghệ thuật đã ghi nhận những con đường riêng của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng được định giá cao trên thị trường", nam họa sĩ lý giải.
Cũng vì giá trị đặc biệt đó, họa sĩ Hồng Hà bác bỏ ý kiến nhiều nhà sưu tập bỏ hàng chục, hàng trăm triệu USD để mua những tuyệt tác này, chủ yếu để lấy tiếng.
Vị họa sĩ lấy dẫn chứng rằng, với những tỉ phú, không thứ gì trên đời này có thể tiêu tiền nhanh như… mua tranh.
"Một kẻ nghèo như tôi, chỉ mỗi việc đi bảo tàng trực tiếp chiêm ngưỡng những tuyệt tác, cũng đã thấy cuộc đời mình sung sướng vô biên. Nếu trúng Powerball, thể nào tôi cũng mua ít nhất một bức của Monet, van Gogh hay Rembrandt rồi làm một căn phòng riêng để ngày ngày vô đó ngắm nó. Và, nếu không yêu hội họa, mua tranh vẫn là một khoản đầu tư không bao giờ lỗ", họa sĩ Hồng Hà bày tỏ.
Cy Twombly (tên khai sinh: Edwin Parker "Cv" Twombly Jr.) là một họa sĩ người Mỹ nổi tiếng bậc nhất của thế kỷ XX.
Ông được cha mẹ ủng hộ theo học nghệ thuật từ khi còn nhỏ, đến năm 12 tuổi Twombly học vẽ họa sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng Pierre. Lớn lên ông theo học Đại học Tufts, Đại học Washington và Lee, Liên đoàn Nghệ thuật Sinh viên New York.
Những tác phẩm của ông thoạt nhìn giống như các bức vẽ graffiti trên tường. Nhưng trong thực tế, ông là một họa sĩ học hành có bài bản, trí tuệ vô cùng uyên bác, tranh của ông lơ lửng giữa chữ và hình ảnh.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông được nhận nhiều giải thưởng danh giá về nghệ thuật, trong đó có giải Praemium Imperiale - một giải được coi là Nobel trong lĩnh vực nghệ thuật.
Năm 1957 ông chuyển đến Ý sinh sống, cưới vợ, mở xưởng vẽ tranh tại thành phố Rome. Ông mất ngày 5/7/2011, tại Rome, vì căn bệnh ung thư.