'Bóc trần' thực trạng ngành nhạc số Kpop: Thị trường tỷ đô nhưng nhạc sĩ lại nhận doanh thu bèo bọt

Doanh thu mà các nhạc sĩ Kpop nhận được bị đánh giá là thấp nhất so với các nước phát triển.

Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (viết tắt: KOMCA) mới đây đã công bố báo cáo chuyên sâu về thị trường phát nhạc trực tuyến trong nước và quốc tế, do công ty kiểm toán EY HyunYoung thực hiện. Báo cáo nhấn mạnh một nghịch lý lớn trong ngành rằng dù thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng, phần chia cho những người sáng tạo vẫn "dậm chân tại chỗ".

Theo dữ liệu từ báo cáo, quy mô thị trường nhạc số Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi, từ 700 triệu USD năm 2019 lên đến 1,32 tỷ USD vào năm 2023, chính thức vượt qua Nhật Bản - một cường quốc âm nhạc tại châu Á. Trong đó, mảng phát trực tuyến là động lực chính, với mức tăng trưởng khoảng 100% chỉ trong vòng năm năm.

Người sáng tạo chỉ nhận... 10%

Thế nhưng, trong khi dòng tiền đang chảy mạnh mẽ trong thị trường này, những người giữ vai trò cốt lõi là các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc lại chỉ nhận được vỏn vẹn 10,5% doanh thu từ phát trực tuyến. Con số này thấp hơn đáng kể so với các quốc gia như Mỹ (12,3%), Anh (16%) hay Đức (15%).

So với tỷ lệ chia sẻ doanh thu tại các thị trường lớn, mức phân bổ ở Hàn Quốc bị xem là không tương xứng, đặc biệt khi quốc gia này là "cái nôi" sản sinh ra làn sóng Kpop có sức lan tỏa toàn cầu. Không chỉ thấp hơn từ 1,8 đến 5,5 điểm phần trăm so với các nước tiên tiến, tỉ lệ này còn bị bóp nghẹt bởi cơ cấu doanh thu thiếu công bằng.

Một nguyên nhân chính là tỷ lệ giữ lại của các nền tảng phát nhạc tại Hàn Quốc cao nhất thế giới: 35%, so với mức 29-30% ở Mỹ, Anh, Đức và chỉ 22% ở Nhật Bản.

Mô hình độc quyền theo chiều dọc và hệ lụy

Các nền tảng phát trực tuyến lớn tại Hàn Quốc thường sở hữu mô hình tích hợp theo chiều dọc - vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa tiêu thụ sản phẩm âm nhạc dẫn đến việc họ chiếm hơn 83% doanh thu phát trực tuyến. Trong khi đó, những người thực sự tạo ra âm nhạc lại chỉ nhận được hơn 10%, tạo ra khoảng cách quá lớn và gây bất bình sâu sắc trong giới sáng tạo.

Chưa dừng lại ở đó, chính sách hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc cũng bị cho là chưa thực sự đặt lợi ích của người sáng tạo làm trung tâm. Tiêu biểu là "Kế hoạch cùng tồn tại phí sử dụng bản quyền âm nhạc" triển khai từ năm 2022, với mục tiêu tạo sự cân bằng giữa nền tảng và người sáng tạo, nhưng thực tế lại làm giảm phần thu của các nhạc sĩ.

Cụ thể, kế hoạch này loại trừ "phí trong ứng dụng" (app store fees của Google và Apple) ra khỏi tổng doanh thu dùng để tính phí bản quyền. Kết quả là tỉ lệ 10,5% vẫn được giữ nguyên, nhưng được áp dụng cho mức doanh thu thấp hơn, khiến số tiền thực nhận của người sáng tạo tiếp tục giảm. Biện pháp này vừa được gia hạn thêm hai năm vào năm 2024, khiến dư luận càng thêm lo ngại.

Trái ngược với tình cảnh tại Hàn Quốc, nhiều quốc gia đã bắt đầu điều chỉnh chính sách để bảo vệ chủ sở hữu bản quyền. Tại Mỹ, quốc gia có thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới, tỷ lệ chia sẻ phát trực tuyến dự kiến sẽ tăng lên 15,35% vào năm 2027. Từ năm 2018, các điều luật bản quyền đã được sửa đổi để đảm bảo quyền lợi người sáng tạo, trong đó có cả hình phạt nghiêm ngặt cho việc thanh toán chậm.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên môn và các hiệp hội tại Hàn Quốc đang kêu gọi cải cách mạnh mẽ. Một trong những giải pháp được đề xuất là tăng tỷ lệ phân chia dành cho các tổ chức ủy thác bản quyền như KOMCA - nơi quy tụ phần lớn giới sáng tạo âm nhạc trong nước.

Phát biểu trong buổi công bố báo cáo, một đại diện của KOMCA khẳng định: "Khi thị trường âm nhạc kỹ thuật số tiếp tục mở rộng, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sáng tạo không chỉ là vấn đề công bằng mà còn là chìa khóa xây dựng hệ sinh thái âm nhạc bền vững". Đại diện này cũng cam kết KOMCA sẽ tích cực thúc đẩy các chính sách điều chỉnh tỷ lệ phân phối và tăng cường cơ chế bảo vệ quyền lợi cho các chủ sở hữu bản quyền trong thời gian tới.

Bình Nguyên

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/boc-tran-thuc-trang-nganh-nhac-so-kpop-202505251930598618.html