Chấp nhận 'trả học phí' để gỡ khó cho nền kinh tế

Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải nhanh chóng giải phóng nguồn lực tại hàng ngàn dự án tồn đọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tỏ rõ quan điểm 'phải chấp nhận đau đớn, cắt bỏ, để có bài học, coi đó là học phí thì mới giải quyết dứt điểm được'.

Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại tổ 1. Ảnh: P.T

Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại tổ 1. Ảnh: P.T

Tháo gỡ từ thể chế đến con người

Tiếp tục Kỳ họp thứ chín, cuối tuần qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, bối cảnh kinh tế thế giới đang đối diện nhiều khó khăn, các tổ chức, các nước lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn năm ngoái và thấp hơn dự báo đầu năm. Trong khi đó, Việt Nam “đi ngược xu thế” khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn dự kiến ban đầu.

Ở các tổ thảo luận, đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng, thu ngân sách từ đầu năm đến nay, tán thành các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp, các đại biểu cũng góp thêm nhiều ý kiến để góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay về đích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, ông rất đồng tình việc phải đẩy mạnh đầu tư công, nhưng giải ngân được 100% (mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ nêu tại báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp - PV), thì “rất thần kỳ”. Theo ông Cường, bên cạnh các dự án đầu tư công, nên khuyến khích sang đầu tư khu vực tư nhân, bởi đây là chiến lược góp phần tăng trưởng nhanh.

Vị đại biểu Hà Nội cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 (cho phép áp dụng tại TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng), trên phạm vi toàn quốc, bởi số tiền rất lớn đang chôn ở hàng ngàn dự án có khó khăn tương tự.

Về vấn đề này, ở tổ thảo luận khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo thống kê, cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng, mà giá trị nếu tháo gỡ được lên đến hơn 230 tỷ USD, bằng khoảng 50% tổng GDP của đất nước. Việc tháo gỡ không phải để hợp thức hóa cái sai, mà tìm giải pháp phù hợp, tháo gỡ từ thể chế đến con người. Thể chế mắc thì gỡ thể chế, con người sai thì xử lý người làm sai. “Chúng ta cũng phải chấp nhận đây là căn bệnh. Đã chữa bệnh phải đau, phải tốn tiền”, Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các vị đại biểu Quốc hội.

Từ quan điểm này, Thủ tướng Chính phủ phân tích, khi khắc phục hậu quả thì không thể đòi hỏi thu về 100%, mà phải chấp nhận đau đớn, cắt bỏ, để có bài học, coi đó là học phí thì mới giải quyết dứt điểm được. Chủ trương là không để lãng phí, luật pháp không bao giờ bao phủ được hết góc cạnh cuộc sống, miễn là đừng có tiêu cực, tham nhũng, phải vô tư, trong sáng.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ những vấn đề Chính phủ đang trình, đặc biệt là về phân cấp, phân quyền, đi đôi với đó là phân bổ nguồn lực, kết hợp với công cụ giám sát, kiểm tra.

Khi Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ sẽ phân cấp cho các địa phương, các bộ, các ngành, thay vì cái gì cũng phải đi xin. Địa phương xin Chính phủ, Chính phủ xin Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… với nhiều quy trình, thủ tục. Trong khi đó, có nhiều việc là đương nhiên, Quốc hội và các đại biểu đều ủng hộ.

Theo Thủ tướng Chính phủ, cần phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, tăng cường năng lực thực thi và năng lực giám sát. Như vậy, sẽ tránh được lãng phí thời gian và cơ hội. “Hai cái lãng phí rất quan trọng là lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian. Chúng ta lại chưa đánh giá hết được cái này. Cơ hội đến và đi rất nhanh, xong được thủ tục thì cơ hội đã đi mất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì thế, người đứng đầu Chính phủ mong muốn các vị đại biểu ủng hộ việc cải cách thủ tục hành chính, ủng hộ phân cấp, phân quyền. “Ai làm tốt thì phân cấp, ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì chúng ta phân cấp”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Đang làm mới chính sách thuế để ứng phó với tình hình hiện nay

Ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, giữ vững thị trường xuất khẩu cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhìn nhận, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ cho quá trình đàm phán. Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, cả trong nước và nước ngoài, để đưa ra các phương án đàm phán. Các biện pháp của Việt Nam có thể sẽ bao gồm giảm thuế quan, tăng mua sắm công đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và chống hàng hóa nước khác trung chuyển qua Việt Nam để vào Hoa Kỳ...

Cần thí điểm bộ cơ chế kiểm soát hàng giả online

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu thực trạng đáng báo động là tỷ lệ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử vẫn ở mức cao, đặc biệt trong các ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Ông Tuấn đề nghị Chính phủ thí điểm bộ cơ chế kiểm soát hàng giả online tại 3 ngành hàng trọng điểm này trong năm 2025, áp dụng trên các sàn thương mại lớn (Tiki, Shopee, Tiktok Shop...), sau đó tổng kết áp dụng đại trà từ năm 2026 trở đi.

Ông Đồng cho rằng, vấn đề đáng lo là, mục tiêu đàm phán là giữ được tối đa thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa của Việt Nam, song cũng không vì thế mà gây tác động tiêu cực đến quan hệ với các đối tác khác.

“Thời gian đàm phán rất ngắn và chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề chưa thể làm kỹ. Để sớm tăng mua hàng hóa của Hoa Kỳ, tôi đề nghị Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng quyết định việc miễn thủ tục đấu thầu, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm công hoặc chỉ định nhà đầu tư các dự án. Điều này sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ cải thiện chênh lệch thương mại với Hoa Kỳ”, ông Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Đối với vấn đề chống trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam, vị đại biểu Quảng Trị đề nghị Chính phủ quyết liệt trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và phải minh bạch quy trình này. “Chúng ta cần phải tạo niềm tin cho các đối tác thương mại rằng, Việt Nam không phải là nơi để các bên rửa nguồn hàng”, ông Đồng nhấn mạnh.

Còn với các rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan, ông Đồng cho rằng, cần tập trung tạo thuận lợi tối đa cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhân dịp này, có thể rà soát xem có rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan nào bất hợp lý, tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì gỡ bỏ luôn.

“Về lâu dài, tôi đề nghị Quốc hội đưa vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế vào chương trình giám sát. Sau đó, có thể ra một nghị quyết của Quốc hội về định hướng hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại thành tựu của quá trình hội nhập kinh tế và chuẩn bị cho bối cảnh thế giới mới”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Đề cập vấn đề đại biểu quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu giải pháp làm mới lại chính sách thuế để ứng phó với tình hình hiện nay. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh này, cần phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đồng thời tích cực đàm phán, đảm bảo lợi ích cốt lõi của Việt Nam.

“Bình tĩnh, đối thoại, không đối đầu, lắng nghe, kiên trì thuyết phục, không lo ngại, hoảng hốt, nhưng cũng không lơ là, chủ quan. Bảo vệ lợi ích cốt lõi, tinh thần là các bên đều có lợi. Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nêu các nguyên tắc.

Thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng là giải pháp được các đại biểu quan tâm và các giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh là thông qua các chính sách thuế, phí, lệ phí, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Ông cũng lưu ý việc hoãn, giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, khuyến khích tiêu dùng.

Các ban chỉ đạo có hết, sao lại để hàng giả, hàng nhái lớn như vậy?

Phát biểu tại tổ, liên quan vấn đề hàng giả, hàng nhái, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong mấy tuần qua, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt với số lượng khủng. “Các ban chỉ đạo mình có hết, từ Trung ương tới địa phương, tại sao lại để hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy? Cái này phải kiểm điểm nghiêm túc", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ông nói thêm, báo, đài đưa tin hàng giả, hàng nhái, người dân rất hoang mang, không biết ăn gì, uống gì. Theo Chủ tịch Quốc hội, phải có giải pháp với hàng giả, hàng nhái, thì mới khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chap-nhan-tra-hoc-phi-de-go-kho-cho-nen-kinh-te-d289565.html