Án Nước ngoài-Luật Việt Nam:Đi kiện vì không được… xét xử

Sau khi dùng mũi tên bắn chết một người trong cuộc ẩu đả của con trai năm 2015, ông Jones Raymond nhận tội ngay nhưng bị tạm giam suốt 9 năm mà không được xét xử.

Án Nước ngoài:

Kiện chính quyền vì bị tạm giam 9 năm chưa được xét xử

Hôm 12/7, Tòa án cấp cao Demerara (Guyana) mở phiên xét xử vụ kiện của ông Jones Raymond, 58 tuổi, với bị đơn là chính quyền vùng này.

Nội dung vụ việc thể hiện, ngày 26/12/2012, con trai ông Jones đang mua đồ tại một cửa hàng gần nhà thì bị thanh niên cùng làng Gary Joseph đến gây sự. Ông Jones nhìn thấy, tiến đến đôi co. Gary cầm chai thủy tinh định tấn công, trong khi ông Jones sử dụng cung tên bắn gục "đối thủ". Sau khi bị cảnh sát bắt giữ, ông nhận tội ngay.

Năm 2015, Giám đốc Cơ quan Công tố (DPP) đã nhận được các lời khai của ông và chuyển vụ án trở lại cho thẩm phán để tiếp tục xử lý. Nhưng suốt 9 năm qua không có phiên tòa nào được mở.

Ông Jones cho hay, năm nào cũng hỏi vụ án của mình sắp được xử chưa, nhưng tòa án đều hồi đáp "không có cáo buộc hình sự nào với Jones Raymond". Lý do là cơ quan công tố đã nhầm lẫn tên ông trong hồ sơ vụ án, chuyển thành Raymond Jones.

Vào ngày 15/7/2022, ông được trả tự do sau khi thẩm phán Tòa án Tối cao phát hiện rằng chính quyền đã vi phạm quyền hiến định của công dân - được xét xử trong thời gian hợp lý, theo Điều 141, 144 Hiến pháp nước này.

Trong đơn kiện chính quyền vùng Demerara đệ trình ngay sau khi được tự do, ông Jones nêu chi tiết những điều kiện nghèo nàn ông phải đối mặt trong nhà tù Camp Street ở thủ đô Georgetown. Ông yêu cầu tòa tuyên bố rằng việc bắt giữ và giam giữ ông trong thời gian 9 năm mà không xét xử là "vô lý và vi phạm quyền tự do cá nhân theo Hiến pháp", đồng thời tuyên buộc chính quyền Demerara bồi thường ít nhất 3 triệu GYD (hơn 14.000 USD).

Trong phán quyết hôm thứ sáu tuần trước, thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện của ông Jones Raymond, với lý do "quyền được xét xử công bằng của ông Jones Raymond không bị vi phạm".

Theo tòa, việc nguyên đơn Jones khẳng định quyền được xét xử của mình không có nghĩa là ông có quyền yêu cầu xét xử vào thời gian cụ thể, mà Tòa án có quyền đánh giá hành vi của ông để xác định vấn đề liên quan.

Tòa án thấy rằng, do ông Jones muốn nhận tội nhẹ hơn, không phải Giết người mà là Ngộ sát tự vệ, nên thẩm phán đã ra lệnh chuyển vụ việc đến Tòa án và cơ quan công tố cấp cao để thụ lý đơn. Do đó, "về cơ bản", tòa không có bất kỳ thời gian trì hoãn nào trong vụ án hình sự của Jones.

Như vậy, quyền hiến định được xét xử trong thời gian hợp lý của ông Jones không bị xâm phạm, vì việc truy tố ông cơ bản chưa hoàn tất. "Đây là sự chậm trễ không thể chấp nhận được và không thể giải thích", HĐXX đánh giá về công tác của cơ quan công tố.

Thẩm phán giải thích thêm rằng "thời gian tạm giam kéo dài không có nghĩa sẽ không có một phiên xét xử công bằng".

Tòa án cũng nhận định, ông Jones Raymond cáo buộc đã phải chịu sự đối xử vô nhân đạo trong tù, nhưng không đưa ra được bằng chứng gì.

Ông Jone Raymond. Ảnh Newws Room

Ông Jone Raymond. Ảnh Newws Room

Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn điều tra

Thời hạn tạm giam để điều tra cụ thể là bao lâu còn phải căn cứ vào việc nghi phạm có dấu hiệu phạm tội loại gì. Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) phân loại tội phạm như sau: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt này là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt này từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt này là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt này là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Về thời hạn tạm giam để điều tra, Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn tạm giam được tính từ ngày có quyết định tạm giam.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn thời hạn tạm giam không quá 01 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Không quá 02 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; Không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; Không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Lưu ý, đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 03 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 2 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Trong vụ án trên, ông Jones Raymond đã dùng mũi tên bắn chết 1 người trong cuộc ẩu đả của con trai năm 2015. Hành vi này có dấu hiệu của tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2012. Đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bởi mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù từ trên 12 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Với tội danh trên, thời hạn tạm giam để điều tra đối với ông này là không quá 04 tháng. Sau 4 tháng trên, nếu nhận thấy "vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam" thì cơ quan điều tra có thể gia hạn tạm giam 2 lần, mỗi lần không quá 04 tháng. Như vậy, thời gian tạm giam để điều tra (kể cả 2 lần gia hạn nếu có căn cứ) cũng không được quá 12 tháng.

Bên cạnh đó, việc điều tra vụ án hình sự cũng có thời hạn cụ thể. Theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 3 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Theo quy định trên, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 12 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, thời hạn tạm giam cũng không được quá thời hạn điều tra tối đa.

Ngoài ra, thời hạn tạm giam của bị can cũng có thể bị rút ngắn nếu vụ án được giải quyết sớm.

Ánh Dương (Thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-namdi-kien-vi-khong-duoc-xet-xu-204240719141839171.htm