Boeing trong cơn khủng hoảng
Nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử của mình, Boeing bắt đầu chiến lược cải tổ. Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Dave Calhoun là người đầu tiên tuyên bố sẽ từ chức.
Bên cạnh sự ra đi của ông Calhoun, Chủ tịch Larry Kellner cũng sẽ ra khỏi Hội đồng quản trị. Ông Steve Mollenkopf - cựu CEO của công ty công nghệ Qualcomm đã được chỉ định làm chủ tịch mới. Người đứng đầu bộ phận kinh doanh máy bay thương mại Stan Deal cũng tuyên bố từ chức. Cùng đó, Boeing đã thành lập một hội đồng cố vấn độc lập để dẫn dắt quá trình đánh giá chất lượng toàn diện trong toàn hệ thống.
Nguồn cơn được cho là bắt đầu từ ngày 5/1/2024, khi chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines phải hạ cánh khẩn cấp vì sự cố bung cửa trên không trung. Ngày 11/3, chiếc Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand), khiến 50 người bị thương.
Tiếp đó, ngày 15/3, chiếc Boeing 737-800 của United Airlines mất một tấm panel bên ngoài sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Rogue Valley Medford ở bang Oregon (Mỹ).
Tính từ ngày 5/1 tới nay, cổ phiếu của Boeing luôn trồi sụt, ngày cao điểm rớt giá khoảng 21%. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Tập đoàn Boeing "thay máu" hàng loạt lãnh đạo cũng khó giải quyết vấn đề cốt lõi là chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là việc những nhân vật cấp cao ra đi sẽ mang theo rất nhiều lợi ích, vì thực tế họ đều là những chuyên giỏi nhất trong lĩnh vực. Chuyên gia hàng không Michel Merluzeau hoài nghi khi cho rằng, việc “thay máu” dàn lãnh đạo của Tập đoàn xét cho cùng chỉ là giải pháp trấn an nhiều cảm tính.
Còn bà Susannah Streeter - người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại Công ty phân tích thị trường Hargreaves Lansdown nhận xét, bất kỳ ai được chỉ định làm Giám đốc điều hành tiếp theo của Boeing sẽ phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, nhất là trong việc khôi phục niềm tin.
Cùng với chủ trương cải tổ, là liên tiếp những vụ điều tra nguyên nhân sự cố của Boeing. Nhất là với chuyến bay Boeing 787 Dreamliner của LATAM Airlines đột nhiên bị mất độ cao, lao xuống bất ngờ giữa không trung sau 2 giờ cất cánh, khiến những người trên máy bay bị văng ra khỏi chỗ ngồi và va đập vào cabin. Hộp đen của chiếc máy bay lập tức được thu giữ.
Như vậy, đã 3 tháng từ khi chiếc 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines gặp sự cố, “vận đen” vẫn chưa buông tha Boeing. Thực tế cho thấy, Boeing vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kỹ thuật rất khó khăn. Nhưng người ta vẫn tin rằng “gã khổng lồ” Boeing sẽ vượt qua khủng hoảng vì rằng trước đó hãng cũng đã từng gặp những sự cố rất khủng khiếp.
Đó là vào năm 2019, máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopia (Ethiopian Airlines) bị rơi ngay sau khi cất cánh, 157 người thiệt mạng. Năm 2018, chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air bị rơi, 189 người thiệt mạng. Những sự cố này đã khiến dòng Boeing 737 Max bị cấm khai thác trên toàn thế giới trong gần 2 năm. Vào thời điểm đó, tờ New York Times dẫn báo cáo kết quả cho thấy dòng máy bay 737 MAX không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra. Riêng đối với Spirit AeroSystems - công ty chuyên sản xuất và lắp đặt thân máy bay cho dòng MAX, các quy trình sản xuất và lắp đặt chỉ vượt qua được 6/13 bài kiểm tra.
Bà Jennifer Homendy - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang tập trung vào dòng máy bay này nhưng cũng sẽ không loại trừ khả năng mở rộng cuộc điều tra hơn nữa. Khi phát hiện ra lỗi hệ thống hoặc kỹ thuật, chúng tôi sẽ ban hành một hướng dẫn an toàn để thúc giục nhà sản xuất cần thay đổi".
Vậy nguyên nhân do đâu? Jeff Wise - chuyên gia hàng không cho rằng, đã có nhiều bàn luận về việc Boeing cố gắng cắt giảm chi phí, đặc biệt là chi phí cho các nhà cung cấp linh kiện. Bên cạnh đó là nhiều chỉ trích về việc Boeing có xu hướng ưu tiên lợi nhuận hơn so với an toàn và cuối cùng lựa chọn này đã bóp nghẹt “con ngỗng đẻ trứng vàng cho hãng".
Điều đó có thể thấy khi trong 2 tháng đầu năm 2024, Boeing chỉ nhận được 18 đơn hàng máy bay mỗi tháng, trong khi mức trung bình năm 2023 là 121 đơn/tháng.
Giới chuyên gia cho rằng, để lấy lại niềm tin và thoát khỏi khủng hoảng thì Boeing cần tập trung vào các chuyến bay thay vì tài chính, hay là “thay máu” dàn nhân sự chủ chốt. Việc chuyển đổi trọng tâm để giải quyết triệt để các vấn đề về an toàn bay là rất cần thiết, không chỉ với Boeing mà đối với bất cứ hãng hàng không nào, vì đó là điều tất nhiên.
“
Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) khuyến cáo, các hãng hàng không kiểm tra chốt cửa trên loại máy bay Boeing 737-900ER sau vụ cánh cửa phụ bị thổi bay trong một chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines, ngày 5/1/2024. Khái niệm “lớp an toàn bổ sung” được khuyến cáo không chỉ cho Boeing mà cho tất cả các hãng bay. Theo FAA, các cuộc điều tra mở rộng sẽ hướng tới dây chuyền sản xuất và chế tạo của Boeing.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/boeing-trong-con-khung-hoang-10276548.html