Boeing và Airbus mua phải titan giả để chế tạo linh kiện máy bay
Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) đang điều tra vì sao Boeing và Airbus mua phải kim loại titan giả trong quá trình chế tạo máy bay.
Tờ New York Times ngày 14/6 đưa tin titan giả được mua từ một nhà cung cấp Trung Quốc ít tiếng tăm, tất cả các giấy chứng nhận mà họ trình ra đều là giả mạo. Cả Boeing và Airbus đều sử dụng titan giả mua được để chế tạo máy bay. Hiện nay, độ an toàn của kết cấu máy bay đang gây lo ngại.
Ngoài Cục Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration, FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), công ty Spirit Aviation Systems, nhà cung cấp thân máy bay cho Boeing và cánh máy bay cho Airbus, cũng đã mở cuộc điều tra về các tài liệu giả mạo từ nhà cung cấp Trung Quốc. Theo New York Times, một nhà sản xuất phụ tùng đã phát hiện ra các lỗ ăn mòn trên kim loại titan mua của một nhà cung cấp Trung Quốc, và các cơ quan chủ quản đã lần theo đường dây để bắt đầu điều tra.
FAA đã đưa ra tuyên bố cho biết họ đang điều tra mức độ nghiêm trọng của vấn đề và đưa ra xác nhận ảnh hưởng như thế nào đến mức độ an toàn ngắn hạn và dài hạn của máy bay. Công ty Boeing đã chủ động thông báo cho FAA về việc họ mua phải titan đáng ngờ. Hiện vẫn chưa thể xác định có bao nhiêu máy bay trong quy trình sản xuất đã sử dụng lượng titan bị nghi ngờ này.
Tờ New York Times đưa tin, 3 người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng các máy bay có linh kiện được làm từ titan giả được sản xuất trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2023, bao gồm một số máy bay chở khách loại Boeing 737 MAX, 787 Dreamliner và máy bay dòng Airbus A220. Các chi tiết như có bao nhiêu chiếc máy bay mỗi loại vẫn đang được sử dụng và những hãng hàng không nào sở hữu những máy bay này vẫn phải chờ được làm rõ hơn.
Người phát ngôn Joe Buccino của Spirit Aviation Systems, cho biết trọng điểm của vấn đề là tài liệu sai lệch, bị thay đổi và ngụy tạo. Ông cho biết: “Ngay sau khi phát hiện titan giả đã xâm nhập vào chuỗi cung ứng, chúng tôi đã lập tức kiểm soát tất cả các linh kiện đáng ngờ và xác nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình”.
Giám đốc Spirit Aviation Systems cho biết, loại titan giả này đã được sử dụng để chế tạo cửa lên máy bay, cửa khoang hàng và một linh kiện liên kết động cơ với thân máy bay Boeing 787 Dreamliner; các linh kiện bị ảnh hưởng của máy bay chở khách Boeing737 MAX và máy bay dòng Airbus A220 bao gồm tấm chắn phòng nhiệt liên kết động cơ với thân máy bay.
Cả Boeing và Airbus đều cho biết họ đã hoàn tất việc thử nghiệm các vật liệu bị ảnh hưởng và đều không xuất hiện vấn đề gì.
Giám đốc Spirit Aviation Systems cho rằng giấy chứng nhận xuất xưởng kim loại titan đã bị giả mạo. Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, nhân viên của nhà sản xuất Trung Quốc bán lượng titan có vấn đề đã làm giả các tài liệu chứng nhận để khẳng định rằng lô titan là của Tập đoàn BAOTI (Baoji Titanium Industry) Trung Quốc đã được cấp Giấy chứng nhận vật liệu.
Tập đoàn BAOTI đã đưa ra một tuyên bố với New York Times, khẳng định họ không biết rằng mình đã bị các nhà sản xuất khác mạo danh và họ không có bất cứ giao dịch kinh doanh nào với nhà sản xuất đáng ngờ này.
Truy xuất nguồn gốc vật liệu cho thấy Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Aerospace Industries) đã mua lô kim loại titan này từ một nhà cung cấp Trung Quốc vào năm 2019, sau đó đã bán lại cho các nhà sản xuất linh kiện.
Một trong những công ty nhận được lô kim loại này vào thời điểm đó là Tập đoàn Kim loại Titan Quốc tế Italy. Năm 2023, họ phát hiện ra lô vật liệu này khác với vật liệu mà họ thường mua, sau đó lại phát hiện ra rằng hồ sơ xuất xưởng của lô nguyên liệu này là giả mạo.
Theo kết quả thử nghiệm, lô vật liệu này đáp ứng được các tiêu chuẩn dùng cho hàng không, nhưng trong các thử nghiệm khác, chúng không đáp ứng được một số tiêu chuẩn. Spirit, Boeing và Airbus hiện đang tập trung thử nghiệm các linh kiện chứa vật liệu giả, đồng thời truy tìm tất cả các máy bay có linh kiện được chế tạo bằng vật liệu giả. Họ hy vọng có thể thay thế các linh kiện này với chi phí thấp nhất, hoặc thậm chí cho những máy bay này nghỉ bay sớm.
Theo truyền thông Trung Quốc, về vấn đề này, ngày 17/6, người phụ trách của Airbus Trung Quốc cho hay, Airbus đã biết về tình trạng này và họ đã tiến hành một số lượng lớn các cuộc thử nghiệm trên các bộ phận từ cùng một nguồn cung cấp. Kết quả cho thấy khả năng bay của máy bay A220 chưa bị ảnh hưởng.
Người phụ trách liên quan của Boeing Trung Quốc cũng cho biết: Vấn đề liên quan đến toàn ngành này đã ảnh hưởng đến một lượng titan hạn chế được giao cho một số nhà cung cấp. Các thử nghiệm đã được tiến hành cho thấy hợp kim titan được sử dụng đủ tiêu chuẩn. Để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn, hãng sẽ loại bỏ mọi bộ phận bị ảnh hưởng khỏi máy bay trước khi giao hàng và phân tích của chúng tôi cho thấy đội bay đang hoạt động có thể tiếp tục bay an toàn.