Bối cảnh đặc biệt, cần chọn phương án tối ưu nhất!

Nhất trí sự cần thiết áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 6.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, khi cơ chế đã được mở như vậy thì đồng thời phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong toàn bộ quá trình thực hiện.

"Chủ trương không có gì phải bàn thêm"

Sáng nay, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 6.6. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 6.6. Ảnh: Lâm Hiển

Đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí sự cần thiết đầu tư các dự án này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. 3 dự án cao tốc sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2 dự án đường vành đai phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị hồ sơ 5 dự án giao thông trình Quốc hội là nội dung khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ khi chuẩn Kỳ họp thứ Ba. Cả nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội chỉ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 1 dự án quan trọng quốc gia, nhưng chỉ riêng trong một Kỳ họp này, chúng ta trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm quốc gia. Nếu được Quốc hội chấp thuận, thông qua thì trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV chúng ta đã xem xét, quyết định 6 dự án quan trọng quốc gia.

“Về chủ trương thì đúng như các đại biểu đã nói, không có gì phải bàn vì toàn là các dự án cấp bách, động lực, lan tỏa vùng, kết nối các địa phương. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng đã đồng ý về chủ trương. Vấn đề còn lại là cách thức làm thế nào, phương thức đầu tư ra sao, cơ chế chính sách đặc thù như thế nào để triển khai được thì giao cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu, triển khai. Phương án trình ban đầu rất khác so với phương án trình Quốc hội lần này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức rất nhiều phiên không chính thức và 3 phiên chính thức để cho ý kiến về 5 dự án này. Đầu Kỳ họp thứ Ba đã đưa 5 dự án vào chương trình nhưng sau đó vẫn phải xin Quốc hội lùi lại vì ngày thứ bảy vừa qua (ngày 4.6 – PV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới họp, xem xét, quyết định được các yếu tố thành phần về vốn để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội, trong đó có danh mục dự án thành phần thuộc gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phương án tăng thu tiết kiệm chi của năm 2021.

"Nếu không có phiên họp ngày 4.6 vừa qua thì hôm nay cũng chưa trình 5 dự án này ra Quốc hội được. Như vậy để thấy các đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất công phu, Chính phủ rất cầu thị. Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 12.5 và ngày 4.6 thì hai bên mới thống nhất được tờ trình và hồ sơ, báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội vào sáng nay, 6.6. Khi trình Quốc hội là cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã cơ bản thống nhất, đồng thuận cao. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về chương trình Kỳ họp thứ Ba thì chưa có 3 dự án cao tốc, mới chỉ có dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình phương án vốn Trung ương gồm 3 nguồn: tăng thu tiết kiệm chi đưa vào từng mục một bao nhiêu, vốn từ gói kích thích kinh tế như thế nào, vốn dư từ tiết kiệm, sắp xếp lại của Bộ Giao thông – Vận tải bao nhiêu và vốn của địa phương. Do đó, mới có đầy đủ căn cứ trình Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cần cho phép Trung ương và địa phương cùng làm

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn khi cho rằng có xu hướng mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án kể trên, có thể dẫn đến những hệ lụy phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ lụy tiêu cực về quản lý, quản trị dự án, làm giảm hiệu quả dự án và không đạt được mục tiêu đề ra.

Chia sẻ những băn khoăn này, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh quan điểm, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid – 19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này. Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt.

Ảnh: Lâm Hiển

Ảnh: Lâm Hiển

Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Ngân sách nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tùy theo khả năng đóng góp của địa phương và cam kết của địa phương.

Hay Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ là do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống là do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông này được Quốc hội thông qua, một mình Bộ Giao thông – Vận tải quản lý nhiều như vậy, chưa kể các dự án đang làm thì không thể làm hết được, do đó phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng tình hình cấp bách như hiện nay thì cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật. Theo đó, Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 là giao hết cho các địa phương, TP. Hồ Chí Minh làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 3, TP. Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, khái niệm “cơ quan đầu mối" thế nào trong luật chưa có, nên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ làm rõ "đầu mối" là như thế nào, trách nhiệm cụ thể của anh đầu mối này ra sao để bảo đảm thực hiện từng đoạn nhưng vẫn thống nhất về quy chuẩn, vận hành trên toàn tuyến. Riêng với 3 dự án cao tốc thì có dự án đi qua nhiều tỉnh như Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột – Khánh Hòa thì vẫn giao cho Bộ Giao thông – Vận tải phụ trách.

Hay Luật Xây dựng không cho phép tách dự án theo địa giới hành chính như thế mà yêu cầu phải lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, dự án nào vận hành độc lập mới thành dự án được. Nhưng nếu quá máy móc như thế trong giai đoạn phục hồi phát triển hiện nay thì có cần thiết không? “Vì thế, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính”.

Hay Luật PPP quy định phần đóng góp của tư nhân không dưới 50%, Nhà nước không vượt quá 50% nhưng phần góp vốn của Nhà nước của dự án đường Vành đai 4 theo phương án trình là đến 66%, thời hạn thu hồi vốn vẫn là 21 năm, ngân hàng toàn đi huy động vốn ngắn hạn và trung hạn mà cho vay đến 21 năm là cũng khó khăn rồi. Nếu “chẻ” đúng ra Nhà nước và tư nhân phải 50 – 50 thì chắc không có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra. Cho nên cũng phải xin cơ chế đặc thù.

“Phải bàn nát nước, kỹ đến nỗi những vấn đề kỹ thuật Chủ tịch Quốc hội cũng vẫn nhớ hết, để chọn phương án tối ưu nhất. Như vậy để thấy rằng, cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể này, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay thôi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh và Kiên Giang thảo luận ở tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh và Kiên Giang thảo luận ở tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Cá thể hóa trách nhiệm

Bên cạnh việc cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và cá thể hóa trách nhiệm trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận rất rõ và sẽ thể hiện trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về trách nhiệm thực hiện. Địa phương phải cam kết trước Chính phủ về việc bố trí vốn, nhưng đó là việc địa phương cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ phải cam kết với Quốc hội. Cam kết này cũng rất chặt chẽ: một là, tổng số vốn bố trí là bao nhiêu; hai là,phân kỳ đầu tư như thế nào, nếu trong trường hợp phải điều chỉnh vốn đầu tư thì địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm phần tương ứng để hoàn thành dự án; ba là, cam kết vốn ngân sách của địa phương phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương. Lúc đầu Chính phủ đề xuất phương án cho giải ngân linh hoạt, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý. Linh hoạt thì có thể là vốn Trung ương giải ngân xong rồi địa phương ngồi chờ vì không có vốn thì không được. Vốn nào ra vốn đấy. Anh đã cam kết rồi là phải có, không thể vẽ ra rồi báo cáo cho xong được mà phải có phương án cụ thể. Vừa qua HĐND một số địa phương đã phải họp để quyết định vấn đề ngân sách của địa phương. Chúng ta trao quyền nhiều thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm, tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra. Người nào quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cho anh chỉ định thầu mà sau này nhà thầu không đủ năng lực, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị trình 5 dự án này, có một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt được Chính phủ đề nghị nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý và đến nay, qua thảo luận tổ các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ví dụ, cơ chế cho phép Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu rồi cho địa phương vay lại. Luật Quản lý nợ công cấm vấn đề này vì như vậy nợ địa phương sẽ thành nợ công của Chính phủ và quan trọng hơn là có thể khiến địa phương không nỗ lực trả nợ. “Phàm người khác vay đưa cho anh tiêu thì anh không có trách nhiệm bằng mình đi vay đâu. Do đó, cơ chế này là cương quyết không chấp nhận”. Từ ví dụ cụ thể này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với hồ sơ 5 dự án trình Quốc hội lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, cơ chế chính sách đặc thù nào chấp nhận được thì đều đã chấp nhận và trình Quốc hội.

Bày tỏ hoàn toàn nhất trí với vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra, đó là làm thế nào để tổ chức triển khai 5 dự án này cho khả thi, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, hồ sơ các dự án trình Quốc hội lần này đã có sự thay đổi rất lớn về thời hạn hoàn thành từng dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ưu tiên đặc biệt nhất về nguồn vốn và tiến độ đối với dự án đường Vành đai 3 để cơ bản hoàn thành trong năm 2025, quyết toán và đưa vào sử dụng trong năm 2026 vì dự án này không chỉ có ý nghĩa với miền Đông Nam Bộ mà còn cho cả miền Tây Nam Bộ nữa. 4 dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và Chính phủ cũng đã thống nhất giãn tiến độ ít nhất là 1 năm (cơ bản hoàn thành trong năm 2026, 2027 - PV) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, không gây căng thẳng về nguồn vốn, đồng thời dành được một nguồn vốn nhất định của giai đoạn này để đầu tư cho một số dự án động lực của địa phương khác.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/boi-canh-dac-biet-can-chon-phuong-an-toi-uu-nhat--i291301/