Bồi đắp danh tiếng thông qua quản trị tốt
Danh tiếng của doanh nghiệp cần được xây dựng và củng cố thông qua những giải pháp quản trị hiệu quả, từ đó trở thành giá trị, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Danh tiếng của doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút, giữ chân khách hàng, đối tác, nhà đầu tư cũng như đội ngũ nhân tài. Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans) cho đây là lợi thế của doanh nghiệp.
Chủ tịch PVTrans nêu sáu yếu tố quản trị cần được bồi đắp để có danh tiếng tốt, bao gồm minh bạch thông tin gắn với trách nhiệm giải trình, hội đồng quản trị hoạt động hiệu quả, bảo vệ cổ đông thiểu số, nhận diện và quản trị rủi ro, cân bằng lợi ích và năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững gắn với ESG (môi trường – xã hội – quản trị).
Xuyên suốt và bổ trợ sáu yếu tố kể trên là văn hóa quản trị doanh nghiệp mà theo Chủ tịch PVTrans là tổng hòa các giá trị, niềm tin, nguyên tắc và định hướng quản lý, lãnh đạo của một doanh nghiệp, thể hiện qua các ban lãnh đạo, hội đồng quản trị, các bộ phận trong doanh nghiệp tương tác với nhau và với các bên liên quan.
Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Trong nhiều tình huống, doanh nghiệp có thể rất dễ bị tổn hại về danh tiếng, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và khả năng phát triển.
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Hội đồng quản trị (VIOD), lại tin rằng, xây dựng danh tiếng và niềm tin của doanh nghiệp là thách thức lớn nhưng cũng là yếu tố cốt lõi để nâng cao giá trị, định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để xây dựng danh tiếng, theo ông Việt Anh, điều đầu tiên là cần phải hiểu rõ danh tiếng không chỉ phản ánh kết quả kinh doanh mà cần nỗ lực xây dựng từ nhiều yếu tố. “Danh tiếng không chỉ đến từ kết quả kinh doanh mà còn là sự tin cậy, uy tín được vun đắp qua thời gian”, ông Việt Anh nói.
Trên thực tế, văn hóa quản trị ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, từ những quyết định mang tính chiến lược cho tới hoạt động thường ngày. Văn hóa quản trị tốt sẽ thúc đẩy mức độ minh bạch, gia tăng trách nhiệm báo cáo, giải trình của những thành viên trong doanh nghiệp.
Ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dynam Capital, nhìn nhận, văn hóa quản trị là cách nghĩ, cách sống, cách làm của hội đồng quản trị doanh nghiệp và là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp.
Do đó, văn hóa quản trị tốt đảm bảo các thành viên hội đồng quản trị thực hiện đúng trách nhiệm đã được cổ đông công ty giao phó. Đây là yếu tố tiên quyết tạo dựng niềm tin và danh tiếng cho doanh nghiệp.
Trong nội dung giới thiệu về "Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất" do Công ty tài chính quốc tế (IFC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biên soạn dựa trên Bộ nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD đã nhấn mạnh lợi ích của quản trị công ty tốt.
Theo đó, quản trị công ty tốt tạo niềm tin của thị trường và đạo đức kinh doanh, là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thu hút vốn. Hệ thống quản trị công ty hiệu quả có tác động đối với nền kinh tế quốc gia vì sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng theo xu hướng phát triển bền vững, dẫn tới tăng trưởng chung, thúc đẩy sự ổn định và nhờ đó giảm nhẹ rủi ro đối với nền kinh tế quốc gia.
Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy, những doanh nghiệp trên thế giới được quản trị tốt thường có hiệu quả hoạt động tốt hơn về khía cạnh thương mại. Quản trị công ty tốt góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh và danh tiếng của công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường vốn, nhờ đó hỗ trợ phát triển thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/boi-dap-danh-tieng-thong-qua-quan-tri-tot-d37128.html