Bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia trong dịch bệnh: Đa dạng phương thức
Thời điểm này, các đội tuyển dự thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT đang được tập trung bồi dưỡng tại địa phương.
Hình thức bồi dưỡng trực tiếp thông thường như các năm trở nên khó khăn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp; tuy nhiên, mỗi địa phương đều có cách làm riêng để bảo đảm chất lượng.
Cố gắng bồi dưỡng trực tiếp
Năm nay đội tuyển dự thi HSG quốc gia THPT của Nghệ An gồm 104 em, ở 11 bộ môn. Do dịch bệnh nên công tác chọn đội tuyển được tiến hành muộn hơn mọi năm. Chia sẻ của thầy Ngô Sỹ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từ tháng 11/2021, Nghệ An tiến hành bồi dưỡng cho đội tuyển thi HSG quốc gia của tỉnh. Tuy nhiên, trong tháng 11 các em chủ yếu tự học; thầy cô có thời gian thì dạy online vì dịch bệnh phức tạp.
Từ cuối tháng 11 đến nay, đội tuyển được bồi dưỡng trực tiếp tại trường. Thầy Ngô Sỹ Thủy cho rằng: Việc quan trọng đầu tiên là phải chọn được HS xuất sắc; sau đó công tác tập huấn rất quan trọng. Thầy cô bồi dưỡng đội tuyển bên cạnh trang bị đầy đủ kiến thức cần tạo cho HS niềm say mê thực sự với môn học; truyền được nhiệt huyết cho học trò.
Phụ trách đội tuyển HSG Vật lý tỉnh Bắc Giang, thầy Ong Thế Hùng, Trường THPT chuyên Bắc Giang cho biết: Đội tuyển Vật lý năm nay có 10 HS, các em bắt đầu ôn từ khá sớm, chủ yếu được bồi dưỡng trực tiếp, ngoài 1 - 2 tuần bị gián đoạn do dịch bùng phát thì chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, việc mời chuyên gia bồi dưỡng buộc phải theo hình thức trực tuyến. Thầy Hùng cũng nhắc đến việc lùi lịch thi HSG quốc gia nên kế hoạch bồi dưỡng phải thay đổi. “Bên cạnh thuận lợi là thời gian ôn dài, vấn đề phát sinh là HS xuất hiện tâm lý chủ quan” - thầy Hùng cho hay.
Do điều kiện dịch bệnh, kỳ thi chọn đội tuyển dự thi HSG quốc gia của Đắk Lắk lẽ ra thực hiện trong tháng 9 phải lùi lại đến tháng 12/2021; tổ chức thi tuyển lẽ ra tập trung tại 1 địa điểm cũng phải chia nhỏ thành 10 điểm thi tại các huyện, thị xã. Chia sẻ của ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc sở GD&ĐT, tỉnh đã thành lập 10 đội tuyển tương ứng với 10 môn thi với tổng số 74 HS (ngoài ra còn có 20 HS dự bị). Những HS này đến từ một số trường THPT, trường PTDTNT tỉnh, nhưng đa số là HS Trường THPT chuyên Nguyễn Du.
Tổ chức bồi dưỡng cho đội tuyển năm nay khó khăn hơn vì Covid-19 diễn biến phức tạp; có trường chưa thể dạy học trực tiếp suốt từ đầu năm học đến nay. Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, từ 10/1, HS khối lớp 9, 12 của một số trường mới được học trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, sở GD&ĐT đã có công văn và được UBND tỉnh cho phép ôn luyện trực tiếp đội tuyển trước 10/1; song song đó là sử dụng bồi dưỡng trực tuyến kết hợp.
“HS trong đội tuyển dự thi HSG quốc gia năm nay của Đắk Lắk được hỗ trợ tối đa về mọi mặt để ôn luyện theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trường THPT chuyên Nguyễn Du là đơn vị được giao bồi dưỡng các đội tuyển. HS ở xa được học nội trú tại trường. Công tác bồi dưỡng được tổ chức bài bản, có kế hoạch; tổ chức dạy học cho HS bằng chương trình của Hội đồng bồi dưỡng. Bên cạnh lựa chọn thầy cô giỏi, nhiều kinh nghiệm để phụ trách đội tuyển, chúng tôi còn mời chuyên gia để bồi dưỡng thêm cho các em. Tất nhiên, năm nay chuyên gia cũng sẽ bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến vì điều kiện dịch bệnh” - ông Đỗ Tường Hiệp cho hay.
Nỗ lực giữ vững chất lượng
Kỳ thi HSG quốc gia năm học 2021 - 2022, tỉnh Thanh Hóa có 9 đội tuyển dự thi với 76 em đều là HS Trường THPT chuyên Lam Sơn. Trong số các HS lớp 12 dự thi năm nay có những em đã dự thi, đạt giải ở kỳ thi HSG quốc gia năm trước, như Hà Minh Hiếu đã đạt giải Nhất môn Toán.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi thành lập các đội tuyển, sở GD&ĐT giao Trường THPT chuyên Lam Sơn lập kế hoạch, tổ chức tập huấn bắt đầu từ trung tuần tháng 10 cho đến ngày thi. Trường Lam Sơn đồng thời chịu trách nhiệm dạy học các môn văn hóa, bảo đảm kiến thức các môn học còn lại cho HS trong đội tuyển.
Việc giảng dạy đội tuyển được sở GD&ĐT giao cho nhóm các thầy cô dạy môn chuyên của trường Lam Sơn và cốt cán chuyên môn của Sở. Hiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên các đội tuyển đang tập huấn bằng hình thức tập trung, trực tiếp và chuẩn bị phương án dạy trực tuyến nếu xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, căn cứ các hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT, sở chỉ đạo trường Lam Sơn rà soát trang thiết bị cần thiết, các điều kiện cho bồi dưỡng đội tuyển và phục vụ, đáp ứng tốt nhất cho kỳ thi. Bên cạnh đó, sở GD&ĐT còn phối hợp với sở Tài chính và các cơ quan liên quan bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí tập huấn theo chế độ cho giáo viên, HS.
Hòa Bình cũng thành lập 12 đội tuyển dự thi HSG quốc gia năm học 2021 - 2022. Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho hay: Từ 9/9/2021 đến nay, các đội tuyển chủ động ôn tập phủ hết phần kiến thức cơ bản, kiến thức nền và phần kiến thức nâng cao, chuyên sâu. Việc ôn tập chủ yếu thực hiện trực tiếp tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ; do dịch bệnh nên đôi khi thực hiện trực tuyến.
Để đạt kết quả tốt, hiện các lãnh đội tiếp tục ôn luyện, rèn kỹ năng làm đề thi, chấm điểm, nhận xét phân tích qua mỗi bài kiểm tra để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, kịp thời bổ sung kiến thức còn thiếu hụt và rèn cách thức trình bày. Phối hợp với các tỉnh bạn để liên kết ra đề thi chung, kiểm tra chất lượng HS thường xuyên, định kỳ mỗi tháng đánh giá được chất lượng HS mỗi đội tuyển để có kế hoạch ôn tập phù hợp từng giai đoạn. Các đội tuyển cũng chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn, phối hợp trong ôn tập, trao đổi tài liệu để học trò cùng học tập, cập nhật kiến thức mới, chuyên sâu; hình thức học kết hợp trực tiếp, trực tuyến.
Những năm học trở lại đây, ngành Giáo dục Đắk Lắk luôn dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về chất lượng bồi dưỡng HS giỏi quốc gia. Một trong những yếu tố tạo ra kết quả này là chiến lược bồi dưỡng. Ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ: Công tác phát hiện HS giỏi được chú trọng từ sớm; bên cạnh đội tuyển chính thức, ngành Giáo dục cũng chọn lựa các em tiềm năng để cùng tham gia bồi dưỡng. Các em chính là nhân tố quan trọng cho đội tuyển của năm sau. Bên cạnh đó, các môn có thế mạnh cũng được tăng cường bồi dưỡng thêm.