Bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện, giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và có thể tự học suốt đời. Để thực hiện được những định hướng đó, đòi hỏi phải đổi mới cách dạy của thầy và cách học của trò. Một trong những điều kiện tiên quyết là bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, Sở GD và ĐT đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ theo chương trình của Bộ GD và ĐT. Sở đã cử hàng nghìn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp tiểu học, cấp trung học tham gia tập huấn các mô-đun để triển khai chương trình mới; tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí mua tài khoản bồi dưỡng trực tuyến cho toàn thể giáo viên và cán bộ quản lý trong tỉnh. Đến thời điểm này, đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng các nội dung quan trọng, gồm: Hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình GDPT mới; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ trong dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh... Đồng thời đăng tải tất cả các tài liệu của các mô-đun bồi dưỡng trên Hệ thống trực tuyến LMS, giúp thầy cô và các nhà trường chủ động khai thác học mọi lúc mọi nơi, phù hợp với kế hoạch cá nhân để phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục. Đến nay, hầu hết các thầy, cô giáo đã hoàn thành bồi dưỡng những mô-đun cốt lõi theo kế hoạch của Bộ GD và ĐT để thực hiện chương trình GDPT mới từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, hàng năm, Sở GD và ĐT tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý chuyên môn thực hiện chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học, THCS, THPT; tập huấn xây dựng ma trận, bản đặc tả và đề kiểm tra các môn học theo chương trình GDPT 2018 và tập huấn các nghiệp vụ có liên quan đến chương trình GDPT 2018 khác; tập huấn các chuyên đề ôn thi tốt nghiệp THPT để các nhà trường, giáo viên có thêm các giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2020-2025 theo Luật Giáo dục 2019, Sở GD và ĐT đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên các năm học gắn với việc triển khai chương trình GDPT 2018, nhất là đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu giảng dạy các môn học mới trong GDPT. Đến nay, có gần 1.000 giáo viên các cấp học được đào tạo nâng trình độ chuẩn. Riêng năm học 2023-2024, Sở GD và ĐT tiếp tục rà soát giáo viên cần nâng chuẩn trình độ đào tạo, giáo viên cần bồi dưỡng dạy các môn Tin học và Công nghệ (đối với tiểu học), Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (đối với THCS); sau đó giao Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non, liên kết đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên tiểu học và THCS. Năm học 2023-2024, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã đào tạo nâng chuẩn cho 38 giáo viên mầm non; liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo 446 giáo viên tiểu học và THCS.
Sở GD và ĐT tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo tại nước ngoài. Năm học 2023-2024, cô giáo Phạm Thanh Xuân Mừng, giáo viên môn Tiếng Anh Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), được học bổng Chương trình trao đổi Giáo viên Xuất sắc Fullbright và được tham dự chương trình tập huấn trong 6 tuần về phương pháp giảng dạy bậc Trung học tại Trường Đại học công lập University of Massachusetts, Hoa Kỳ; cô giáo Trần Thị Hồng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã được trao học bổng Thạc sĩ về Giảng dạy tiếng Anh của Hội đồng Anh trong khuôn khổ chương trình UK/Viet Nam Season 2023 hợp tác với Đại học Ulster ở Bắc Ailen, Vương quốc Anh.
Toàn ngành tổ chức tập huấn ứng dụng AI nâng cao năng suất, hiệu quả công việc của cán bộ quản lý, giáo viên với hơn 550 điểm cầu tới các Phòng GD và ĐT, các trường tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên, thành viên cộng đồng giáo viên sáng tạo đã tham gia buổi tập huấn, gần 10 nghìn lượt xem trực tuyến trên Youtube mỗi ngày.
Một số địa phương có cách làm hay, hiệu quả trong bồi dưỡng đội ngũ. UBND huyện Ý Yên chỉ đạo ngành GD và ĐT huyện tập trung làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nội dung theo chỉ đạo của ngành cấp trên; thực hiện tốt công tác dự báo, quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo. Ngành Giáo dục huyện phối hợp Phòng Nội vụ huyện thống kê, rà soát đội ngũ toàn ngành; dự báo quy mô phát triển trường, lớp đến năm 2030. Trên cơ sở đó, thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự các cơ sở giáo dục đảm bảo hợp lý, phù hợp năng lực chuyên môn và vị trí việc làm. Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được học tập, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, trong đó, yêu cầu về nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, bao gồm tư tưởng chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm hiện đại. Đồng thời tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi học nâng chuẩn trình độ theo quy định để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục... Với các giải pháp đồng bộ, chất lượng đội ngũ giáo viên của huyện nhiều năm qua không ngừng được nâng cao, là yếu tố then chốt tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục toàn diện của huyện. Năm học 2023-2024, ngành GD và ĐT huyện Ý Yên đã đạt những thành tích quan trọng ở các cấp học: thi học sinh giỏi lớp 8, lớp 9 có tiến bộ vượt bậc, đoạt giải Nhất toàn tỉnh; tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, đoạt giải Nhất; 30 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; thi tốt nghiệp THPT cùng với các huyện trong tỉnh duy trì được thứ hạng cao trong tốp đầu cả nước; là 1 trong 2 địa phương trong cả nước có thí sinh đạt điểm 10 môn Văn.
Việc tự bồi dưỡng đội ngũ tại các cơ sở giáo dục cũng diễn ra với đa dạng các hình thức, được coi là giải pháp cốt lõi nâng cao chất lượng đội ngũ. Các nhà trường đã có nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực triển khai công tác bồi dưỡng đội ngũ dưới hình thức trực tiếp, gián tiếp. Giáo viên được khuyến khích tự học, tự nâng cao trình độ, tích cực tham gia các diễn đàn trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp trong, ngoài nước; khích lệ viết sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm sau mỗi năm học. Bồi dưỡng giáo viên thông qua công tác bố trí, giao nhiệm vụ chuyên môn (dạy các khối lớp khác nhau, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu); ra đề thi, viết báo cáo trong các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Các nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo, hội giảng nhân dịp ngày lễ lớn nhằm đánh giá, ghi nhận, biểu dương những thầy cô tâm huyết, tích cực trong nhà trường.
Tuy nhiên, cũng còn một số ít giáo viên hạn chế trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo định hướng của chương trình mới; khả năng ngoại ngữ, tin học của nhiều giáo viên còn hạn chế, nhất là ở những giáo viên lớn tuổi dẫn đến khó khăn trong học hỏi, tiếp thu thông tin, kiến thức mới về đổi mới quản lý, dạy và học.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ, Sở GD và ĐT cần tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu mới. Các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm nghiên cứu không tiếp tục cắt giảm biên chế một cách cơ học đối với các cơ sở giáo dục để giảm khó khăn, áp lực cho giáo viên; giúp cán bộ, giáo viên yên tâm, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD và ĐT trong giai đoạn mới.