Giúp chính sách giáo dục đi vào đời sống
Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Nhà giáo. Bên lề Quốc hội, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Châu Quỳnh Giao, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kiên Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Kiên Giang) tán thành với Luật Nhà giáo, nhưng đề nghị cần xem xét các quy định để tránh chồng chéo với các luật khác.
Video đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chia sẻ:
Dự án Luật Nhà giáo đã thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn của Kết luận số 91 của Bộ chính trị khi thực hiện khảo sát trên toàn quốc về việc thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ chính trị kết luận là cần sớm ban hành Luật về Nhà giáo. Như vậy, Bộ Chính trị đã thấy được nhân tố quyết định đến giáo dục, sự phát triển của đất nước chính là đội ngũ trí thức, những người đang làm công tác giảng dạy.
Ngày 20/11, khi ôn lại ý nghĩa, truyền thống của nghề, có thể thấy nghề giáo không chỉ trao truyền và thắp lên ngọn lửa sáng tạo cho trí thức trẻ, mà luôn gắn với lịch sử của dân tộc, truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Dự án Luật Nhà giáo cũng thể hiện chủ trương của Đảng cách đây 27 năm ở Nghị quyết Trung ương 2, khóa XIII.
Tại dự án Luật lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các ngành khác để những chính sách về giáo dục đi vào đời sống khả thi theo lộ trình.
Về chính sách thu hút nhà giáo, tuyển dụng đặc cách, ưu tiên cũng cần lưu ý. Sinh viên theo chế độ cử tuyển, theo đào tạo địa chỉ sẽ được địa phương bố trí việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Nhưng thực tế, các sinh viên thi tuyển cạnh tranh với thí sinh tự do có cơ hội mong manh. Như vậy, ý nghĩa của chính sách không được trọn vẹn.
Hiện nay, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực nhà giáo có nhiều nguyên nhân (có thể là do chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng…). Do đó, Điều 16 của dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định rõ người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo được ưu tiên, tuyển dụng đặc cách. Đặc biệt, để tạo nguồn giáo viên thật sự có chất lượng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách thu hút các đối tượng là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào ngành sư phạm bằng cách cho phép tuyển thẳng vào các trường sư phạm.
Tại Điều 16 quy định đối tượng được đặc cách, các em được diện cử tuyển đào tạo theo địa chỉ, hưởng phụ cấp có có thực tế, giữa một bên diện cử tuyển được cộng 5 điểm khi tuyển dụng. Còn Điều 20 là đối tượng nằm trong diện đặc cách. Sự không thống nhất trong quy định này khiến tôi rất băn khoăn. Vì vậy, nên quy vào một mối là chính sách đặc cách. Thực tế, những em được cử tuyển chắc chắn đã được địa phương tuyển chọn kỹ về phẩm chất, năng lực để đào tạo lĩnh vực đặc biệt này.
Trong những phát biểu gần đây nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rẳng cần nâng cao vị thế của nhà giáo bằng Luật Nhà giáo. Vậy theo bà, chính sách nào mang tính đột phá của Dự án Luật để giải quyết được những vấn đề nóng của ngành giáo dục hiện nay?
Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, dù giáo viên không đến trường và dạy trực tuyến vẫn được hưởng lương, còn giáo viên ngoài công lập không được hưởng. Với Luật Nhà giáo, tôi tâm đắc ở chỗ, Luật không chỉ điều chỉnh những quy định với nhà giáo công lập, mà với cả khối ngoài công lập và người nước ngoài đang giảng dạy tại Việt Nam. Giáo viên nước ngoài cũng chịu sự ràng buộc theo Luật về những điều được làm, không được làm, chịu quản lý của Luật Nhà giáo. Đó là những bảo vệ đặc thù của nghề giáo.
Có thể nói, sản phẩm của nghề dạy học không phải là "hàng hóa" thông thường, mà sản phẩm là nhân cách, phẩm chất, năng lực của thế hệ trẻ. Do đó không được phép có sai lầm.
Bên cạnh đó, trong chính sách về bảng lương là bước đột phá của dự án Luật. Điều này mang lại sự an tâm cho lực lượng nhà giáo, đảm bảo công tác quản lý nhà giáo thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
Dự án Luật cũng tháo gỡ "điểm nghẽn" hiện nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị sử dụng trực tiếp, nhưng không phải là đơn vị chủ trì trong tuyển dụng; bị động trong giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ; điều động, biệt phái giáo viên. Đặc biệt, Luật ra đời cũng xóa bỏ khoảng cách bất bình đẳng trong thụ hưởng các dịch vụ giữa các vùng miền trong cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được chủ động trong tuyển dụng và có cái nhìn toàn diện quản lý theo ngành. Đương nhiên, sẽ không phủ nhận vai trò của các ngành khác như Bộ Nội vụ để phối hợp có những điều chỉnh biên chế phù hợp.