'Bôi trơn', đút lót đang dần kém hiệu quả?
Cứ vào đầu nhiệm kỳ thì tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức nói đạt kết quả mong đợi lại giảm
Sáng 4-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”. Đây là hoạt động thường niên được VCCI bắt đầu từ năm 2018.
Một trong những điểm đáng chú ý mà VCCI đưa trong dòng chảy lần này là việc dự đoán của doanh nghiệp về thực thi chính sách pháp luật.
Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho hay: Đối với câu hỏi về tính dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được cũng có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2014 có 8,27% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của chính quyền tỉnh đối với quy định pháp luật trung ương thì năm 2020 chỉ còn 5,56%.
Các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng có khả năng dự đoán việc thực thi chính sách tốt hơn so với doanh nghiệp quy mô nhỏ
Đặc biệt, một câu hỏi khác trong điều tra PCI có liên quan đến vấn đề tính ổn định và dự đoán được của việc thực thi pháp luật trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng công việc đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức (chi phí bôi trơn, đút lót, chi phí gầm bàn,...PV).
“Tỷ lệ này hiện cũng đang có xu hướng giảm theo thời gian, đến năm 2021 chỉ còn 55,22% doanh nghiệp đồng tình với nhận định này”, ông Đức cho hay.
Theo ông Đức, theo biểu đồ kết quả nghiên cứu của VCCI, có thể vào những năm đầu nhiệm kỳ do quá trình chuyển giao nên tỷ lệ doanh nghiệp đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức thấp cũng là điều dễ hiểu.
Theo ông Đức, mặc dù tính ổn định của pháp luật rất quan trọng đối với các dự án đầu tư, tuy nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật đứng yên mãi mãi. Pháp luật vẫn thường xuyên phải điều chỉnh khi các điều kiện xã hội thay đổi, hoặc khi phát hiện ra các bất cập, vướng mắc khi thực thi, cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Do đó, các giải pháp luôn cần tìm điểm cân bằng giữa việc duy trì tính ổn định để tạo lập niềm tin kinh doanh và việc điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn. Để giảm rủi ro thay đổi quy định của pháp luật, theo VCCI, có thể kể đến một số giải pháp.
Đó là: Tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và các cam kết quốc tế có liên quan; Thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp; Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh; Bảo đảm nguyên tắc không hồi tố bằng quy định chuyển tiếp hợp lý…
Xu hướng giảm số lượng văn bản pháp luật mới
Theo thống kê của VCCI, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 636 VBQPPL, trong đó có 12 luật của Quốc hội, 3 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ trưởng. So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm.
Xu hướng giảm số lượng văn bản pháp luật ban hành mới đã diễn ra trong nhiều năm. Có thể kể ra một số nguyên nhân của tình trạng này như sau.
Thứ nhất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 yêu cầu phải thực hiện cơ chế hai bước, đề xuất chính sách và xây dựng dự thảo, đã khiến số lượng luật và nghị định không đầu giảm so với trước đó.
Thứ hai, chủ trương hạn chế ban hành VBQPPL cấp thông tư và Thông tư liên tịch cũng làm giảm số văn bản do các Bộ trưởng ban hành.
Thứ ba, việc áp dụng rộng rãi hơn cơ chế một văn bản sửa nhiều văn bản cũng khiến số lượng VBQPPL giảm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/boi-tron-dut-lot-dang-dan-kem-hieu-qua-post727105.html