BoJ gặp khó khi lạm phát chạm ngưỡng không mong muốn
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách tại cuộc họp tuần này, chỉ vài ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng.
Tuy nhiên, Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra lý do duy trì các biện pháp kích thích cho kinh tế Nhật Bản nếu lạm phát vượt mức mục tiêu 2% và đồng yen tiếp tục trượt giá so với đồng USD, trong khi các ngân hàng trung ương khác tiếp tục thắt chặt chính sách.
Các nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính SMBC Nikko Securities cho biết thước đo giá chủ chốt của Nhật Bản có khả năng đạt mức tăng 2,4% trong tháng 4/2022, mức chưa từng thấy kể từ năm 2008, sau khi đã loại trừ tác động từ việc tăng thuế tiêu dùng. Đây là một sự tăng tốc đáng kể từ mức 0,2% trong tháng Một.
Tháng Tư được coi là thời điểm quan trọng vì tác động của việc cắt giảm phí điện thoại sẽ bắt đầu mờ nhạt hơn.
Một ước tính của hãng tin Bloomberg News cho thấy, khi kết hợp với giá dầu, tỷ giá đồng yen và phí tiêu thụ điện hiện tại, lạm phát của Nhật Bản sẽ đạt mức cao nhất 2% vào tháng Tư nếu tác động của việc giảm phí điện thoại biến mất - nhưng điều đó dự kiến sẽ không xảy ra cho đến tháng Mười.
Dù vậy, do hóa đơn điện nước thường chậm hơn so với diễn biến giá dầu và khí đốt tới sáu tháng, lạm phát của Nhật Bản rõ ràng đang hướng tới mức 2% và có thể tăng tốc nếu xung đột Nga - Ukraine đẩy giá dầu thô và hàng hóa lên cao hơn.
Ngân hàng Barclays ước tính tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản có thể đạt 2,8% nếu giá dầu tăng lên 150 USD/thùng trong năm nay.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Bloomberg vào đầu tháng này cho thấy dù lạm phát có khả năng tăng tốc, hầu hết các nhà kinh tế không mong đợi BoJ sẽ thay đổi chính sách trong năm nay.
Theo bà Naomi Muguruma, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co., cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến BoJ có nhiều khả năng gắn bó với các biện pháp kích thích vì tình hình nền kinh tế sẽ xấu đi.
Giá nhiên liệu và hàng hóa cao hơn đang gây nhiều sức ép lên các công ty và hộ gia đình, khiến họ hạn chế chi tiêu và gia tăng áp lực đi xuống đối với nền kinh tế.
Ông Masaaki Kanno, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Sony Financial Group, cho biết nhiệm vụ lớn nhất của BoJ hiện nay là giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ chi tiêu tài chính nhiều hơn.
Một động thái bình thường hóa chính sách là không cần thiết, vì nền kinh tế Nhật Bản có thể xấu đi đáng kể trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, nhà kinh tế Yuki Masujima của Bloomberg nhận định một khi lạm phát cơ bản chạm mức 2%, BoJ có thể cố gắng phân biệt lạm phát do cú sốc nguồn cung với lạm phát do nhu cầu tăng cao bằng cách tập trung nhiều hơn vào chỉ số lạm phát lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống).
Chuyên gia này cho rằng BoJ sẽ không can thiệp tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng yen, cho đến khi nó chạm mức 125 yen đổi 1 USD.
Tuy nhiên, khoảng 1/4 các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Bloomberg lại nhìn nhận tình hình theo hướng khác. Họ cho rằng tác động của xung đột Nga - Ukraine làm tăng cơ hội BoJ sẽ điều chỉnh hoặc thắt chặt chính sách.
Ông Junki Iwahashi, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank, cho biết một khi sự bất mãn của công chúng gia tăng do giá năng lượng cao hơn và đồng yen yếu đi, chính phủ có thể gây áp lực buộc BoJ phải thay đổi chính sách.
Lạm phát nhập khẩu có thể tăng nhanh nếu đồng yen tiếp tục đi xuống. Đồng tiền này đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm là 117,88 yen đổi 1 USD vào ngày 14/3 trên thị trường Tokyo.
Nếu nó suy yếu thêm về mốc 120 yen/ USD, những đồn đoán về khả năng BoJ có hành động can thiệp sẽ xuất hiện mạnh mẽ hơn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/boj-gap-kho-khi-lam-phat-cham-nguong-khong-mong-muon/236774.html