BoJ: Tác động từ thuế quan Mỹ còn hạn chế

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 10/7 cho biết tác động từ các hàng rào thuế quan của Mỹ đối với sản lượng và xuất khẩu của Nhật Bản hiện tại vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại về nguy cơ những chính sách thuế này sẽ làm suy yếu nhu cầu toàn cầu.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Báo cáo tóm tắt từ cuộc họp hàng quý của các giám đốc chi nhánh khu vực thuộc BoJ cho thấy, một số địa phương đã ghi nhận tình trạng doanh nghiệp trì hoãn hoặc xem xét lại kế hoạch chi tiêu vốn. Ngược lại, tại các khu vực khác, doanh nghiệp lại tăng cường đầu tư để tinh giản hoạt động và ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động.

Nhận định về ảnh hưởng của thuế quan Mỹ lên xuất khẩu và sản lượng công nghiệp trên toàn Nhật Bản, BoJ cho biết tác động ở thời điểm hiện tại vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, về triển vọng, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại về nhu cầu sụt giảm do giá bán tại Mỹ tăng và kinh tế toàn cầu chậm lại.
Một quan chức BoJ cho biết báo cáo trên chưa đề cập đến thông báo ngày 7/7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế đối với hàng hóa Nhật Bản từ 10% lên 25% nếu một thỏa thuận thương mại không được ký kết trước ngày 1/8.
Trong một báo cáo khác, BoJ cho biết kinh tế của cả 9 khu vực đều đang phục hồi ở mức độ vừa phải, và giữ nguyên đánh giá so với ba tháng trước. Bản tóm tắt và báo cáo này sẽ là một trong những yếu tố quan trọng mà BoJ sẽ xem xét kỹ lưỡng tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 30-31/7, nơi hội đồng quản trị sẽ công bố các dự báo mới hàng quý về tăng trưởng và giá cả.
Triển vọng của các doanh nghiệp về lương và giá cả có sự trái chiều. Báo cáo cho thấy, một số công ty ám chỉ khả năng cắt giảm thưởng nếu thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến lợi nhuận, trong khi những công ty khác nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục tăng lương để giữ chân nhân tài.
Trong khi nhiều công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá để chuyển chi phí đầu vào và nhân công ngày càng tăng sang người tiêu dùng, một số khác lại chần chừ trong việc tăng giá do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu hơn.
BoJ đã kết thúc chương trình kích thích kinh tế kéo dài 10 năm trong năm 2024 và vào tháng 1/2025 đã nâng lãi suất chính sách lên 0,5%, với nhận định rằng lạm phát đang trên đà đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững. Tại cuộc họp trước vào ngày 1/5, BoJ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng và phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất sau khi Tổng thống Trump đưa ra khả năng áp thuế cao hơn.
BoJ đã tuyên bố rằng tiền lương phải tiếp tục tăng và giúp đạt được lạm phát bền vững trước khi họ có thể tiếp tục lộ trình tăng lãi suất.
Tổng thống Trump ngày 7/7 cho biết Mỹ sẽ bắt đầu áp mức thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản từ ngày 1/8, cao hơn một chút so với mức 24% được công bố trước đó. Ông cũng nhấn mạnh mức thuế mới sẽ không thay thế các loại thuế ngành đã có hiệu lực, như thuế 25% với ô tô và linh kiện, hay 50% với thép và nhôm.
Ông Junichi Makino, nhà kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities, cho rằng Mỹ không có ý định giảm thuế ô tô vì lo ngại điều đó sẽ khiến thâm hụt thương mại với Nhật Bản tiếp tục gia tăng. Ô tô chiếm tới 70% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Nhật Bản.
Còn theo ông Yuta Misumi, Phó Giám đốc tại S&P Global Ratings, trong ba hãng xe lớn nhất Nhật Bản, Toyota dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng ít nhất từ việc tăng giá, nhờ nhu cầu bền vững với dòng xe hybrid (xe lai chạy bằng cả xăng và điện) tại Mỹ.
Trước đó, theo số liệu thương mại do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố vào tháng 6/2025, giá trị xuất khẩu trung bình của ô tô sang Mỹ trong tháng 5/2025 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu tác động đến xuất khẩu ô tô của Nhật Bản và có khả năng các hãng xe Nhật Bản đang phải gánh chịu chi phí thuế quan để giữ giá bán tại thị trường Mỹ không tăng.
Số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản sang thị trường Mỹ trong tháng 5/2025 đạt 15.140 tỷ yen (khoảng 104 tỷ USD), giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu ô tô giảm mạnh 24,7% xuống còn khoảng 3.634 tỷ yen (khoảng 25 tỷ USD), trở thành yếu tố chính kéo giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Số lượng ô tô xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ trong tháng trên giảm 3,9%, còn 102.653 chiếc. Mặc dù đây là lần đầu tiên sau 5 tháng ghi nhận mức giảm, nhưng mức sụt giảm về số lượng vẫn còn khiêm tốn so với mức giảm về kim ngạch. Khi chia kim ngạch xuất khẩu cho số lượng, giá trung bình mỗi chiếc xe là khoảng 3,54 triệu yen, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước, tức là giảm khoảng 980.000 yen mỗi chiếc.

Minh Hằng/bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/boj-tac-dong-tu-thue-quan-my-con-han-che/379937.html