Cánh cửa mới, cơ hội mới từ chuyển đổi số

Việc doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để chuyển đổi số hiệu quả hơn không chỉ là 'chìa khóa' thành công, mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ, ở thị trường Việt Nam, doanh nghiệp kiên định với sứ mệnh đem lợi ích của nền kinh tế số đến với mọi người Việt. Từ “xuất phát điểm” ban đầu bằng dịch vụ vận tải, với sự nỗ lực lắng nghe nhu cầu thực tế, Grab đang dần khẳng định mình trong nền kinh tế số mang lại trải nghiệm toàn diện, liền mạch nhất cho người dùng. Đặc biệt, khả năng công nghệ cũng cho phép doanh nghiệp luôn thấu hiểu và nắm bắt nhanh chóng nhu cầu mới, xu hướng mới trên thị trường, từ đó biến chúng thành những tính năng, sản phẩm mới phù hợp nhất với người dùng.

Chuyển đổi số còn mang đến thời cơ làm mới chính mình cho doanh nghiệp. Vốn là một ứng dụng đặt xe công nghệ, song ông Hoàng Công Huấn, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Be Group cho biết, năm 2024, công ty đã tung ra dịch vụ Be Giúp việc (theo giờ) và nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội. Thị trường dịch vụ gia đình theo yêu cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2022 - 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước đạt 19,2%.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mang lại lợi ích cho người dân, cộng đồng và chính doanh nghiệp

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mang lại lợi ích cho người dân, cộng đồng và chính doanh nghiệp

Trong thời gian tới, để có thể thành công hơn nữa, các doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại để tổ chức, triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đây là phương thức hữu hiệu, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, chi phí thấp hơn và linh hoạt hơn so với mô hình truyền thống.

Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc đẩy mạnh giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Trong đó, nội dung trọng tâm là thúc đẩy xúc tiến thương mại trên nền tảng số, giảm phụ thuộc vào phương thức truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu qua các hiệp định thương mại. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến quy mô lớn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số, sử dụng công cụ marketing số, dữ liệu lớn và AI để khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.

Để hoàn thành mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị cần lồng ghép các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tiêu chuẩn môi trường xã hội vào quản trị trong cơ chế chính sách xúc tiến thương mại. Ưu tiên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu mới của thị trường. Song song với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cần chú trọng hỗ trợ các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xúc tiến thu hút đầu tư, nhập khẩu để đổi mới và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư ra nước ngoài nhằm chủ động tiếp nhận và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ tập trung đầu tư chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, qua đó tăng cường truyền thông, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thêm cánh tay nối dài ra thị trường thế giới.

Võ Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/canh-cua-moi-co-hoi-moi-tu-chuyen-doi-so-167028.html