Bom lượn 3 tấn của Nga sẽ tàn phá phòng tuyến Ukraine?

Việc không quân Nga đưa vào trang bị bom lượn 3 tấn FAB-3000 sẽ tạo ra mối đe dọa chưa từng có đối với phòng tuyến vốn đã mỏng của Ukraine.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đến thị sát các nhà máy sản xuất vũ khí ở Nizhny Novgorod ở miền tây nước Nga gần đây, một mẫu bom mới của Moskva được nhiều chuyên gia quan tâm đó là FAB-3000. Dù nặng đến 3 tấn nhưng không quân Nga có kế hoạch biến FAB-3000 thành bom lượn.

Theo chuyên gia quân sự Viktor Litovkin, việc FAB-3000 được nâng cấp lên thành bom lượn và có thể dẫn đường bằng vệ tinh sẽ tạo một loại vũ khí tấn công tầm xa mạnh mẽ. Ông cũng nhấn mạnh rằng bản thân FAB-3000 đã là mẫu bom có sức tàn phá khủng khiếp.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đến kiểm tra một nhà máy sản xuất bom của Nga ở Nizhny Novgorod hôm 21/3. (Ảnh: Sputnik)

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đến kiểm tra một nhà máy sản xuất bom của Nga ở Nizhny Novgorod hôm 21/3. (Ảnh: Sputnik)

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho trọng lượng của FAB-3000 sẽ ảnh hưởng đến tầm tác chiến của nó ở miền đông Ukraine. Dù vậy đây không phải là vấn đề quá lớn đối với không quân Nga khi họ có trong tay nhiều mẫu bom lượng khác như FAB-500, FAB-1000 và FAB-1500.

Chỉ riêng những quả bom nặng hơn 1 tấn cũng đủ sức phá các cứ điểm phòng thủ kiên cố của Ukraine, đối với bom FAB-3000 có thể không quân Nga sẽ sử dụng một cách có chọn lọc.

Lực lượng không quân Nga gần như không tham gia vào nửa cuối năm đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt (bắt đầu từ tháng 2/2022). Điều này tạo điều kiện giúp lực lượng phòng không Ukraine phục hồi sau cuộc tấn công ban đầu của Nga.

Điều này tạo ra một nguy cơ đối với các phi đội chiến đấu cơ Nga nếu muốn tấn công lực lượng Ukraine dưới mặt đất. Trong khi đó không quân Nga không phát triển nhiều hệ thống vũ khí tấn công tầm xa như phương Tây.

Bài toàn về thiếu vũ khí dần được thay đổi vào cuối năm ngoái khi không quân Nga bắt đầu đưa vào trang bị những quả bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh nặng từ 500 kg đến hơn 1 tấn. Về cơ bản Nga xây dựng kho bom lượn của nước này dựa trên chính kho bom thông dụng không điều khiển sẵn có thông qua bộ modul chuyển đổi.

Phi công tiêm kích bom Su-34 của Nga hoàn toàn có thể thả bom lượn cách mục tiêu hơn 40km tránh xa tầm phòng không của Ukraine. Chỉ với vài quả bom nặng hơn 1 tấn, 1 cứ điểm của Kiev đã bị san phẳng.

Những quả bom lượn nặng hơn 1 tấn của Nga đủ khả năng phá hủy mọi công sự kiên cố nhất của Ukraine.

Những quả bom lượn nặng hơn 1 tấn của Nga đủ khả năng phá hủy mọi công sự kiên cố nhất của Ukraine.

Ném bom lượn hiện là một chiến thuật tiêu chuẩn của không quân Nga và là chìa khóa cho bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Moskva ở miền đông Ukraine kể từ cuối năm 2023. Hàng trăm quả bom lượn được thả hàng ngày đã san phẳng những gì còn sót lại của Avdiivka - một cứ điểm quan trọng của Ukraine ở Donetsk và buộc lực lượng Kiev phải rút lui vào giữa tháng 2/2024.

Egor Sugar, một người lính thuộc Lữ đoàn xung kích số 3 của Ukraine làm nhiệm bảo vệ cuộc rút lui của lực lượng ở Avdiivka nói: “Những quả bom này phá hủy hoàn toàn mọi phòng tuyến” .

Nhưng cuộc ném bom lượn không kết thúc ở Avdiivka. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Ivan Gavrylyuk, Nga đã thả 3.500 bom FAB-500, FAB-1000 và FAB-1500 chỉ trong ba tháng đầu năm nay. Tướng Gavrylyuk cho biết, con số này nhiều gấp 16 lần số lượng bom lượn mà Moskva thả năm ngoái.

Hệ thống phòng không tốt nhất của Ukraine, Patriot do Mỹ sản xuất, có tầm bắn xa tới 144km về nguyên tắc có thể bắn trúng máy bay ném bom Nga trước khi chúng thả bom. Nhưng chỉ khi các đơn vị Patriot được bố trí sát tiền tuyến.

Đây là những gì đã xảy ra vào tháng 2, khi lực lượng phòng không Ukraine được cho đã bắn hạ 13 chiếc chiến đấu của Nga trong 13 ngày. Nhưng việc tái triển khai đã kết thúc trong thảm họa vào khoảng ngày 9/3, khi một máy bay không người lái của Nga phát hiện một đoàn xe Patriot cách tiền tuyến phía đông hơn 30 km.

Sau đó Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander phá hủy hoàn toàn đơn vị Patriot trên gây ra tổn thất nặng nề cho phòng không Ukraine.

Ukraine đã rút lực lượng phòng không còn sót lại của nước này cách xa phòng tuyến nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể ngăn chặn Nga tiếp tục sử dụng bom lượn. Trong khi đó Moskva đã nâng cấp bom lượn của nước này với tầm tấn công mở rộng từ 40 km lên hơn 60 km.

Từ hiệu quả của những dòng bom nặng hơn 1 tấn ở chiến trường Ukraine, việc quân đội Nga sắp đưa vào trang bị bom lượn FAB-3000 có thể là không cần thiết, bởi chúng quá mạnh so với nhiệm vụ phá hủy các phòng tuyến của Kiev.

Được phát triển ở Liên Xô vào nửa sau thế kỷ 20, FAB-3000 là một quả bom nặng 3,3 tấn chứa 1,4 tấn thuốc nổ và được hình dung là loại vũ khí đa năng có thể được sử dụng để tấn công các cơ sở công nghiệp kiên cố, công trình ngầm và các công trình ngầm. Độ cao triển khai của FAB-3000 vào khoảng 16.000 m và nó có thể đạt tốc độ bay lên tới 1.200 km/h và có tầm tấn công ước tính khoảng 60-70 km.

Loại vũ khí này có đường kính hủy diệt lên tới 39m và biến thể ban đầu của nó được thiết kế để trang bị cho máy bay ném bom siêu thanh Tupolev Tu-22M3 .

Việc đưa vào sử dụng bom lượn FAB-3000 đối với không quân Nga có phần mạo hiểm so với hiệu quả vũ khí này có thể mang lại.

Việc đưa vào sử dụng bom lượn FAB-3000 đối với không quân Nga có phần mạo hiểm so với hiệu quả vũ khí này có thể mang lại.

Bên cạnh đó FAB-3000 có thể sẽ không phù hợp với một chiếc Su-34 có sải cánh dài 14m. Tuy nhiên không quân Nga có thể phải lắp những quả bom lượn khổng lồ lên máy bay ném bom Tu-22M.

Xem xét đến sự thiếu cơ động của một quả bom nặng 3,3 tấn trên không, các máy bay ném bom có thể phải bay cách chiến tuyến vài chục km, điều này khiến chúng gặp nguy hiểm lớn hơn.

Điều đáng chú ý là lực lượng không quân Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom nhằm vào các thành phố của Ukraine, nhưng thực tế chưa bao giờ đưa các máy bay ném bom Tupolev vào lãnh thổ Ukraine. Thay vào đó, họ bắn tên lửa hành trình từ khoảng cách hàng trăm km.

Chừng nào Nga còn có nhiều FAB hoặc KAB nhỏ hơn và đủ Su-34 để mang chúng thì FAB-3000 vẫn chỉ là một biểu tượng, đặc biệt là khi được sử dụng làm bom lượn. Trên thực tế, việc triển khai loại bom nặng 3,3 tấn này là một việc làm quá mức rủi ro do sức tàn phá của những quả bom lượn nhỏ hơn vốn đã có sức tàn phá khủng khiếp .

Trà Khánh (Nguồn: Forbes)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bom-luon-3-tan-cua-nga-se-tan-pha-phong-tuyen-ukraine-ar861229.html