Bom Paveway IV của Anh có giúp Ukraine 'thay đổi cuộc chơi' ?
Ukraine đã bắt đầu nhận được bom Paveway IV dẫn đường bằng laser mới từ Anh, với nhiều lời ca ngợi rằng đây sẽ là loại bom cực kỳ nguy hiểm với độ chính xác rất cao. Paveway IV nằm trong gói viện trợ 1.600 quả đạn được Anh cam kết cho Ukraine, trị giá khoảng 625 triệu USD, bao gồm xe chiến đấu, tên lửa tấn công và phòng không cùng đạn dược.
Anh cũng đã cam kết bổ sung thêm tên lửa hành trình Storm Shadow tầm xa phóng từ trên không cho Ukraine. Gói viện trợ được đưa ra khi Mỹ - thành viên chủ chốt trong NATO – “bật đèn xanh” cho một gói viện trợ quân sự quy mô trị giá 60 tỷ USD sau trong nhiều tháng thảo luận giằng co.
“Người quen cũ”
Truyền thông phương Tây cho rằng dù là mẫu bom “cũ”, Paveway IV có thể hiệu quả với các mục tiêu phòng thủ thấp, và với hệ thống dẫn đường bằng laser, loại vũ khí này cho phép hoạt động ngay cả trong thời tiết xấu hoặc trong điều kiện cản trở tầm nhìn thông thường. Bom Paveway IV nặng khoảng 225kg và được thả từ máy bay.
Paveway IV hoạt động khá hiệu quả với các mục tiêu như hệ thống phòng không, radar, kho vũ khí, kho chứa và trung tâm liên lạc. Loại bom này cũng được cho là có thể cạnh tranh với bom lượn của Nga, loại vũ khí với sức tàn phá khủng khiếp đang được Nga sử dụng nhằm vào các vị trí của Ukraine, tấn công lực lượng phòng thủ và mở đường cho quân đội Nga tiến lên tiền tuyến.
Nhiều người cho rằng Paveway IV, kết hợp với các loại vũ khí có độ chính xác cao khác mà Ukraine sở hữu có thể phát huy hiệu quả. Về bản chất, Paveway IV là thiết bị nhằm chuyển đổi bom không dẫn đường thành vũ khí dẫn đường chính xác. Nhờ thiết bị này, các quả bom có thể sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser hoặc vệ tinh để tìm đường tới mục tiêu. Hiện tại, trong kho vũ khí của Ukraine đã có bom JDAM được Mỹ viện trợ. Cơ chế hoạt động của JDAM tương tự như Paveway IV.
Paveway là một dòng bom dẫn đường bằng laser (tên tiếng Anh là Laser-guided bomb, viết tắt LGB). Pave (hoặc PAVE) đôi khi được sử dụng như từ viết tắt của thiết bị vectơ điện tử hàng không chính xác, nói cụ thể hơn là thiết bị điện tử để kiểm soát tốc độ và hướng bay. Các chuyên gia thường kết hợp “pave” với các từ khác để đặt tên cho các hệ thống laser chỉ định mục tiêu cho bom dẫn đường laser, ví dụ Pave Penny, Pave Spike, Pave Tack và Pave Knife, hay chỉ việc tích hợp hệ thống dẫn đường trên các máy bay quân sự chuyên dụng, như AC-130U Pave Specter, MH-53 Pave Low và Hawk-60 Pave Hawk.
Dòng bom dẫn đường bằng laser Paveway được Texas Instruments (Dallas, Mỹ) phát triển từ năm 1964. Dù chương trình được thực hiện với ngân sách tương đối hạn hẹp song tính kinh tế và quy trình sản xuất đơn giản của loại thiết bị này đã mang lại những lợi ích và lợi thế lớn so với các hướng phát triển vũ khí phức tạp khác. Cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào tháng 4/1965. Tháng 1/1967, Không quân Mỹ triển khai “Dự án 3169” để phát triển các loại bom dẫn đường chính xác sử dụng laser, bộ công cụ dẫn đường quang điện và dẫn đường hồng ngoại.
Phiên bản đầu tiên, Paveway I, được nâng cấp và cải tiến thành Paveway II vào đầu những năm 1970 với bộ dò đơn giản, đáng tin cậy hơn với cánh sau có thể bật ra để cải thiện khả năng lượn của vũ khí. Cả Paveway I và Paveway II đều sử dụng hệ thống điều khiển đơn giản, khiến đạn có thể bị đảo trong khi triển khai, tuy không quá ảnh hưởng đến độ chính xác song lại tiêu tốn năng lượng nhanh chóng và hạn chế phạm vi hiệu quả. Các vũ khí sử dụng Paveway I và II thường được phóng theo quỹ đạo đạn đạo, chỉ kích hoạt thiết bị chỉ định laser vào cuối chuyến bay của vũ khí để điều chỉnh điểm va chạm.
Paveway III được bắt đầu nghiên cứu năm 1976 và đưa vào sử dụng năm 1986, tích hợp công cụ tìm kiếm tinh vi hơn nhiều với phạm vi bao quát rộng hơn, giảm thiểu việc mất năng lượng do hiệu chỉnh dẫn hướng. Có thiết bị tìm kiếm đơn giản hơn, đáng tin cậy hơn và cánh sau bật ra để cải thiện hiệu suất lướt của vũ khí. Paveway III có giá thành cao nên về cơ bản được hạn chế sử dụng nó cho các mục tiêu có giá trị cao. Không quân Mỹ thường chỉ áp dụng bộ công cụ này cho các loại vũ khí có trọng lượng hơn 907 kg (như MK-84 và BLU-109). Bộ công cụ dẫn đường Paveway III cũng được sử dụng trên bom GBU-28/B được triển khai vào cuối Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Paveway IV là kết quả hợp tác giữa Raytheon Systems Ltd (RSL) có trụ sở tại Anh và nhà thầu Raytheon Missile Systems (RMS) của Mỹ. Loại bom này được Không quân Hoàng gia Anh sử dụng từ năm 2008. Bom Paveway IV có chiều dài 3,1m, đường kính 0,27m, sải cánh khi cánh xòe 0,42m, nặng 225kg chưa kể bộ hướng dẫn, dẫn hướng bằng quán tính (có hoặc không có trợ giúp của hệ thống định vị GPS) và laser bán chủ động, đầu đạn là bom thông thường MK 82 nặng 225kg, ngòi nổ có thể được kích nổ theo độ cao tùy chọn, tầm bay khoảng 30km với tốc độ bay cận âm. Các ngòi nổ có thể kích nổ trên không ở độ cao khác nhau, phát nổ khi va chạm hoặc sau khi va chạm. Chế độ kích nổ sau khi va chạm cho phép bom phát nổ bên trong các tòa nhà hoặc các mục tiêu bị chôn lấp.
Paveway IV sử dụng hệ thống dẫn đường hiện đại kết hợp giữa GPS, hệ thống lái dẫn bằng quán tính (INS) và laser bán chủ động giai đoạn cuối (Semi-Active Laser - SAL), hạn chế tối đa nguy cơ gây nhiễu và giảm thiểu đáng kể thiệt hại tài sản xung quanh không liên quan tới mục tiêu tấn công. Tuy có những ưu điểm này, Paveway IV chỉ có chi phí rất thấp, có độ chính xác cao trong mọi điều kiện tác chiến, bất kể thời tiết, ngày đêm.
Hiệu suất và hiệu quả
Năm 2015, Không quân Hoàng Anh gia đã thử nghiệm thành công 2 quả bom dẫn đường bằng laser Paveway IV từ một chiếc F-35 Lightning II của Lockheed Martin trong các thử nghiệm ở Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên bắn thành công một loại đạn không phải của Mỹ trong chương trình phát triển của F-35. Bom Paveway IV từng được các máy bay chiến đấu của Anh sử dụng ở Iraq, Afghanistan và Libya. Không quân Hoàng gia Anh đã sử dụng bom Paveway IV phóng từ máy bay phản lực Typhoon để tấn công hai địa điểm quân sự của phiến quân Houthi ở Yemen hồi tháng 1/2024.
Paveway III từng được Không quân Ấn Độ sử dụng trong Chiến tranh Kargil năm 1999 khi trang bị cho máy bay Mirage 2000. Nhà thầu Raytheon, nhà cung cấp duy nhất các biến thể Paveway III, đang cung cấp cả phiên bản tiêu chuẩn và nâng cao cho chính phủ Mỹ và khách hàng nước ngoài.
Paveway IV được tích hợp vào kho vũ khí của máy bay chiến đấu đa năng Tornado, Eurofighter Typhoon và F-35. Điều khiến Paveway IV khác biệt so với các phiên bản JDAM-ER của Mỹ và AASM Hammer của Pháp có thiết kế tương tự là đây không phải là một loại vũ khí tầm xa, tức là nó không thể phóng vào mục tiêu từ xa mà yêu cầu máy bay phải tiếp cận và thả bom. Vì lẽ đó, ý tưởng cung cấp loại vũ khí này trong tình trạng hiện tại đang vấp phải những bình luận cho là vô nghĩa vì khó có thể được sử dụng một cách đáng tin cậy trên chiến trường Ukraine, nơi hệ thống phòng không đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến.
Một vấn đề tồn tại khác cũng gây tranh cãi là tầm bắn của loại bom này. Lực lượng không quân Ukraine có quy mô nhỏ và kém tiên tiến hơn nhiều so với Nga, khiến Ukraine khó có thể mạo hiểm thực hiện các cuộc tấn công ném bom dễ bị phản kích. Thực tế các chuyên gia quân sự cho rằng Paveways không có khả năng tạo ra tác động mang tính biến đổi trên chiến trường. Theo một số phân tích gần đây, Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ cung cấp theo gói viện trợ được Quốc hội phê duyệt sẽ có giá trị lớn hơn do ATACMS có thể nhắm mục tiêu vào phạm vi rộng hơn và không dựa vào việc điều hướng hệ thống phòng không của đối phương hoặc gây nguy hiểm cho máy bay có người lái.
Hệ thống phòng không hiệu quả của cả Nga và Ukraine đã làm giảm đáng kể tác động của sức mạnh không quân chiến thuật và đó là lý do tại sao máy bay cần vũ khí tầm xa hơn như Paveway IV để có thể tấn công từ bên ngoài khu vực nguy hiểm.
Nga hiện triển khai bộ dẫn đường UMPK, có khả năng tích hợp lên bom thường để biến thành bom lượn thông minh. Đầu năm nay, Nga lần đầu công bố hình ảnh FAB-1500 M54 gắn bộ dẫn đường UMPK, loại bom 1,5 tấn mà Ukraine thừa nhận không có biện pháp ngăn chặn.
Với những công nghệ mới, Nga đã chuyển đổi kho bom thường khổng lồ từ thời Liên Xô cũ thành bom dẫn đường thông minh, gây tàn phá nặng nề cho phòng tuyến Ukraine. Bom FAB-1500 M54 nguyên bản có dạng đầu tù để tăng lực cản, cho phép máy bay có đủ thời gian thoát ly khỏi vùng nổ khi thả bom ở tầm thấp. Phần cánh nâng gấp gọn được gắn trên lưng quả bom và tự mở ra sau khi tách khỏi máy bay. Cụm thiết bị UMPK kéo dài đến đuôi quả bom với cánh ổn định dạng chữ V.
Bom chùm dẫn đường RBK-500 SPBE-D và phiên bản nâng cấp bom FAB-500 M62 trang bị UMPK cũng đang trong quá trình thử nghiệm. Cả hai bên chiến tuyến Nga-Ukraine đều không ngừng thúc đẩy các chương trình vũ khí để giành lợi thế chiến trường. Những tranh luận diễn ra khi mỗi bên mở rộng kho vũ khí là điều tất yếu, và hiệu quả thực tế chắc chắn cần có thời gian trả lời.