Bom tấn 'Ngộ Không' đại náo làng game

Black Myth: Wukong tạo nên cơn sốt lớn trong giới game thủ nhờ cốt truyện hấp dẫn dựa trên tiểu thuyết 'Tây Du Ký', hình ảnh ấn tượng và quá trình phát triển được rò rỉ liên tục.

Màn ra mắt được chờ đợi nhất năm nay trong làng game của Ngộ Không trong Black Myth: Wukong đã không khiến cho các game thủ thất vọng.

Ngay khi vừa ra mắt, tựa game bom tấn của Trung Quốc đã xô đổ mọi kỷ lục trên nền tảng Steam. Chỉ sau 24 giờ ra mắt, đã có tới hơn 2,2 triệu người chơi cùng lúc trong Black Myth: Wukong.

Theo SteamDB, với thành tích này, Black Myth: Wukong đã dễ dàng vượt qua những bom tấn từng ra mắt trước đây như Hogwarts Legacy (879.000 người chơi cùng lúc), Elden Ring (953.000 người chơi) và Cyberpunk 2077 (1,054 triệu người chơi).

Tôn Ngộ Không phá cách

Được phát triển bởi studio game có trụ sở tại Hàng Châu, Game Science, Black Myth: Wukong là tựa game nhập vai hành động lấy cảm hứng từ tiểu thuyết kinh điển “Tây Du Ký”, trong đó người chơi điều khiển nhân vật khỉ để giao chiến với nhiều loại quái vật khác nhau. Tuy có "Ngộ Không" trong tên chính thức, nhân vật chính trong game được gọi là "Thiên mệnh nhân", hay "người được chọn".

Tương tự như “Tây Du Ký”, cuộc phiêu lưu của nhân vận chính trong Black Myth: Wukong đã đưa người chơi đến nhiều vùng đất.

Từ những khu rừng tươi tốt, sa mạc cát đến cánh đồng phủ đầy tuyết và các ngọn núi lửa phun trào, có thể nói mỗi môi trường đều được các nhà làm game thiết kế tinh xảo, như thổi hồn vào các trang tiểu thuyết.

Cốt truyện trong game cũng tương đối đơn giản khi người chơi được giao nhiệm vụ thu thập 6 bảo vật ma thuật để có thể mở khóa sức mạnh và khôi phục lại trật tự cho vùng đất hỗn loạn.

 Phần đồ họa trong Black Myth: Wukong được đánh giá cao về độ chi tiết. Ảnh: Game Science.

Phần đồ họa trong Black Myth: Wukong được đánh giá cao về độ chi tiết. Ảnh: Game Science.

Để làm được như vậy, Tôn Ngộ Không sẽ phải chiến đấu với rất nhiều yaoguai (quái vật) trên đường đi. Thiết kế kẻ thù trong Black Myth: Wukong cũng không kém phần nổi bật, với vô số biến thể khác nhau của kẻ thù và gần 80 tên trùm trong suốt hành trình của bạn.

Nếu bỏ qua những vấn đề giật khung hình, phần đồ họa của Black Myth: Wukong xứng đáng là một trong những bom tấn được chờ đợi nhất năm.

IGN thậm chí còn nhận xét đây là một trong những tựa game đẹp nhất từng được sản xuất. Mọi bối cảnh môi trường trong game đều tràn ngập chi tiết, từ những mảnh vỏ cây sứt mẻ trên cây trong rừng, đến sự biến dạng theo thời gian thực của tuyết khi Tôn Ngộ Không di chuyển qua đó trong khi kéo lê cây gậy của mình.

Bên cạnh phần nhìn, hệ thống chiến đấu cực kỳ đa dạng của Tôn Ngộ Không trong game cũng là một điểm nhấn.

Cụ thể, ngoài những đòn đánh cực kỳ uy lực, game thủ còn được sử dụng nhiều phép thuật thú vị trong suốt quá trình chơi, ví dụ như biến thành chim mồi, làm kẻ thù bất động hay triệu hồi nhiều bản sao của chính mình.

Bên cạnh đó, các nhà phát triển cũng đưa vào vô số phép biến hình, chi tiết gợi nhớ đến các phép thần thông quảng đại của một Mỹ Hầu Vương sống động trên màn ảnh.

Tham vọng lớn của Trung Quốc

Với thị trường game nội địa khổng lồ và sự hậu thuẫn của những "gã khổng lồ" như Tencent, Trung Quốc đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ game thế giới.

 Tôn Ngộ Không thi triển phép thuật phân thân trong một màn đánh trùm. Ảnh: Game Science.

Tôn Ngộ Không thi triển phép thuật phân thân trong một màn đánh trùm. Ảnh: Game Science.

Tuy nhiên, theo SCMP, Trung Quốc thực tế chỉ thống trị thị trường game mobile trị giá 77 tỷ USD. Quốc gia này hoàn toàn lép vế trong mảng game bom tấn AAA. Khi thị trường game mobile dần bão hòa, các công ty tại đây bắt đầu tìm những hướng đi mới để cạnh tranh, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp.

Đây cũng chính là lý do khiến Lan Weiyi, Giám đốc điều hành Game Science quyết định phát triển game AAA, thuật ngữ về tựa game bom tấn có kinh phí sản xuất lớn. Vào năm 2017, nhận thấy Trung Quốc có nhiều người dùng Steam hơn Mỹ, công ty này quyết định "chơi lớn".

Phương tiện truyền thông Trung Quốc thậm chí đưa tin đây là một trong những tựa game đắt nhất từng được phát triển ở nước này, với kinh phí hơn 50 triệu USD.

Do đó, việc phát hành Black Myth: Wukong có thể xem như một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt đối với ngành công nghiệp trò chơi điện tử của đất nước tỷ dân.

“Bản phát hành này đánh dấu một bước đột phá táo bạo của các nhà phát triển trò chơi Trung Quốc vào một thị trường lâu nay luôn bị phương Tây thống trị. Với bước đột phá này, ngôn ngữ mặc định của tựa game AAA sẽ không còn là tiếng Anh nữa mà là tiếng Trung”, Xinhua viết.

Hành trình của Tôn Ngộ Không trong game nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của dân tộc. Ngay khi mới ra mắt, đã có hơn 1,7 tỷ lượt tìm kiếm liên qua đến từ khóa “Ngộ Không” trên nền tảng Weibo.

 Không chỉ gây sốt toàn cầu, tựa game cũng được ủng hộ nhiệt tình tại quê nhà. Ảnh: Alamy.

Không chỉ gây sốt toàn cầu, tựa game cũng được ủng hộ nhiệt tình tại quê nhà. Ảnh: Alamy.

Thậm chí, theo trang tin tiếng Trung của Malaysia, Oriental Daily, công ty Trung Quốc Sichuan Muziyang Technology đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ một ngày để trải nghiệm trò chơi mới.

Một hình ảnh được cho là thông báo từ công ty cũng được chia sẻ trên mạng xã hội. Báo tiếng Trung Lianhe Zaobao, đặt tại Singapore, cho biết công ty thực hiện động thái này nhằm thể hiện sự hỗ trợ đối với ngành công nghiệp game Trung Quốc và để nhân viên chia sẻ trải nghiệm chơi game với đồng nghiệp và bạn bè.

Sự quan tâm trên toàn cầu đối với Black Myth: Wukong cũng là một cơ hội tốt để Trung Quốc có thể quảng bá các địa danh văn hóa quan trọng trên khắp nước này.

“Thành công của Black Myth: Wukong không chỉ là chiến thắng của ngành công nghiệp game mà còn là cột mốc quan trọng trong việc mở rộng văn hóa của Trung Quốc ra nước ngoài”, Yangcheng Evening News nhận xét trong một bài viết.

Để giải thích kỹ hơn nữa, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Sơn Tây còn phát hành một video nêu bật các địa danh ở miền bắc Trung Quốc xuất hiện trong trò chơi.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/bom-tan-ngo-khong-dai-nao-lang-game-post1493382.html