'Bom tấn'… xịt, CLB TP.Hồ Chí Minh trút hồi hộp
Hạn chót 17 giờ ngày 22-2 trôi qua, bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam đã không thành hiện thực. Nhiều CĐV TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) tiếc rẻ nhưng với lãnh đạo câu lạc bộ này bên cạnh đôi chút thất vọng có lẽ là cái thở phào nhẹ nhõm, trút được nỗi lo trước một thương vụ có phần mạo hiểm.
Thói thường một khi hấp tấp, vội vàng mua sắm vào thời điểm phiên chợ sắp đóng cửa thể nào cũng bị ép giá, mua hớ; huống hồ trường hợp này người mua chỉ biết “món hàng” qua thương hiệu trong quá khứ mà hoàn toàn không rõ chất lượng hiện tại. Đắt liệu có xắt ra miếng?
Kinh nghiệm bóng đá thế giới cũng cho thấy những bản hợp đồng “bom tấn” vào giờ chót hiếm khi thành công. Với Lee Nguyễn, một cầu thủ đã 34 tuổi, không có gì đảm bảo sau 10 năm trở lại Việt Nam vẫn tỏa sáng. Thực tế đỉnh cao sự nghiệp của tiền vệ mang 2 quốc tịch Mỹ - Việt này là giai đoạn 2012-2017 trong màu áo New England Revolution với 208 trận đấu, ghi 54 bàn và 35 pha kiến tạo. Mùa 2018 anh chuyển tới Los Angeles FC và phong độ bắt đầu đi xuống với chỉ 27 lần ra sân, ghi duy nhất 1 bàn cùng 5 kiến tạo, năm ngoái còn tệ hơn chỉ đá chính 13 trận ở MLS (dự bị tới 17 lần). Đó là lý do Los Angeles FC để Lee Nguyễn ra đi tự do đến với Inter Miami.
Không phủ nhận cầu thủ từng 9 lần khoác áo đội tuyển Mỹ là một tài năng: kỹ thuật điêu luyện, tốc độ xuất phát siêu hạng, những đường chuyền như đặt và tư duy chiến thuật nhạy bén. Tuy nhiên không ai cưỡng được thời gian, với sự nghiệp cầu thủ 34 là độ tuổi đã ở bên kia sườn dốc.
Đưa về Lee Nguyễn TP.HCM còn có thể đối mặt một nguy cơ tiềm ẩn, đó là sự rạn nứt đoàn kết trong nội bộ đội bóng, sức mạnh vốn làm nên thành công với chức á quân V.League mùa rồi. Bởi 1 thập kỷ trước ở HAGL và B.Bình Dương ngôi sao Việt kiều này đã khét tiếng ăn chơi, đi siêu xe, cặp kè với giới showbiz, bất tuân HLV, tách biệt với đồng đội. Lee Nguyễn từng thừa nhận đã không thể kiểm soát được mình trước những cám dỗ ở Việt Nam. “Ở Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch (anh từng thi đấu cho PSV và Randers giai đoạn 2006-09), ít người biết tôi là ai. Nhưng về Việt Nam, mọi người luôn nhận ra ở bất cứ nơi nào tôi xuất hiện. Các tay săn ảnh luôn chực chờ. Tôi cứ ngỡ mình là một ngôi sao ca nhạc vậy”.
Ngoài ra con số 1 triệu USD, hơn 23 tỷ đồng, cho bản hợp đồng 2 năm là vấn đề cần cân nhắc. Một tuyển thủ quốc gia thuộc hàng sao số như đội trưởng Quế Ngọc Hải, Viettel cũng chỉ phải chi khoảng gần 9 tỷ đồng cho 3 mùa giải, chính xác 2,7 tỷ đồng/năm. Tức trên lý thuyết, với số tiền này, TP.HCM có thể sở hữu đến 2/3 đội hình chính thức của đội tuyển Việt Nam trong 2 năm. Với 1 triệu USD, HLV Chung Hae-seong cũng hoàn toàn có thể “sắm” một ngôi sao ngoại binh tầm cỡ (cầu thủ nước ngoài hưởng lương cao nhất ở Thai League cũng chỉ đến 20 ngàn USD/tháng, tức chưa tới nửa triệu USD cho 2 năm).
Vì vậy đổ bể bản hợp đồng “bom tấn” có khi lại là may, bởi lợi chưa thấy đâu nhưng rủi thì quá nhiều.