Bơm xi măng sinh học qua da: Phương pháp hiệu quả điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống

Trước đây, bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương đều được chuyển lên tuyến trên điều trị khiến chi phí điều trị tăng, bệnh nhân đi lại bất tiện... Từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2024, nhóm thực hiện đề tài do các bác sỹ: Nguyễn Thế Toàn (Giám đốc Sở Y tế), Trương Quý Trường (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đồng chủ nhiệm đã triển khai đề tài: 'Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn'. Đề tài được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến, chi phí khám chữa bệnh thấp, hạn chế bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành bơm xi măng sinh học để điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành bơm xi măng sinh học để điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống

Xẹp đốt sống thường gặp ở người cao tuổi với biểu hiện chủ yếu là đau tại nơi tổn thương, hạn chế khi vận động. Ở mức độ nặng, xẹp đốt sống gây nhiều tổn thương cho người bệnh như không thể ngồi, đứng dậy và đi lại được, giảm chiều cao, biến dạng cột sống (gù, vẹo cột sống, trật đốt sống…), thậm chí tổn thương vào tủy sống, dẫn đến rối loạn hô hấp, liệt hoàn toàn.

Các phương pháp điều trị xẹp đốt sống bao gồm điều trị nội khoa (nghỉ ngơi, nằm bất động, dùng thuốc giảm đau, thuốc điều trị loãng xương); phẫu thuật; điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên những phương pháp này hiệu quả còn hạn chế hoặc có nhiều biến chứng.

Bác sỹ chuyên khoa II Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tạo hình thân đốt sống ở những bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da là phương pháp điều trị mới ít xâm lấn. Xi măng sinh học được bơm vào thân đốt sống với mục đích giảm đau, nâng chiều cao thân đốt sống, tái khôi phục đường cong sinh lý và tăng độ vững cho cột sống. Xi măng sinh học có cấu tạo gần giống xương nên dễ dàng tạo cầu nối để hàn gắn xương gãy, biến đổi thành tổ chức xương, kích thích quá trình tạo xương giúp tăng độ vững và độ bền cho đốt sống.

Phương pháp bơm xi măng sinh học qua da đã được ứng dụng vào điều trị xẹp đốt sống tại các bệnh viện lớn trong cả nước, trong đó có Bệnh viện Quân đội 108. Chính vì vậy, nhóm thực hiện đề tài đã đề nghị Bệnh viện Quân đội 108 chuyển giao kỹ thuật và cử 2 bác sĩ trực tiếp đi học tập. Đến hết tháng 2/2024, hai bác sĩ được đào tạo đã thực hiện thành thạo kỹ thuật và tự thực hiện nhiều ca phẫu thuật mà không cần sự phối hợp của chuyên gia.

Sau khi thăm khám, tùy thuộc vào tình hình mà bệnh nhân được chia thành 2 nhóm điều trị theo các phương pháp bơm xi măng có bóng và bơm xi măng không có bóng.

Trong thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều trị trên 20 bệnh nhân xẹp đốt sống tại khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Kết quả cho thấy, ngay sau mổ tất cả bệnh nhân cải thiện ngay mức độ đau lưng, bệnh nhân hết đau hoàn toàn hoặc chỉ còn biểu hiện đau ít, vận động bình thường. Các bệnh nhân sau phẫu thuật có sức khỏe ổn định, không gặp các tai biến, biến chứng trong và sau khi phẫu thuật. 100% bệnh nhân trong nghiên cứu đều đạt kết quả tốt sau bơm xi măng qua da, trong đó 55% đạt kết quả rất tốt và 35% đạt kết quả tốt, 10% bệnh nhân đạt kết quả trung bình sau 6 tháng.

Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân chỉ phải nằm tại giường trong 24 giờ đầu sau bơm. Sau 24 giờ, bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại được với áo nẹp cột sống. Bệnh nhân mặc áo đai cột sống hỗ trợ trong vòng 1 tuần đầu, sau đó bỏ áo, đi lại bình thường, tập vận động các động tác của cột sống như: ưỡn để làm mềm dẻo cột sống và tăng sức mạnh cơ cạnh sống.

Bà Lô Thị Phụng, 89 tuổi, khối 8, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, bệnh xẹp đốt sống do loãng xương khiến tôi rất đau đớn và không thể đi lại được, chỉ nằm một chỗ. Năm 2021, gia đình tôi được bác sỹ tư vấn và điều trị bằng phương pháp điều trị bơm xi măng sinh học qua da. Sau khi thực hiện thủ thuật này vài ngày tình trạng đau đớn giảm hẳn, tôi tiếp tục thực hiện các hướng dẫn của bác sĩ như mặc áo đai cột sống, uống thuốc điều trị loãng xương, đến nay tôi đã đi, đứng được trở lại bình thường, không còn đau đớn mỗi khi vận động.

Sau khi được chuyển giao và điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo khoa học với 50 đại biểu tham dự và tổ chức tập huấn triển khai kỹ thuật kỹ thuật bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống cho 30 bác sĩ. Sau khi tập huấn các bác sĩ đã nắm rõ kỹ thuật bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống.

Bác sỹ chuyên khoa II, Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Sau khi được tập huấn, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân trên địa bàn tỉnh, 100% bệnh nhân đều phục hồi tốt, không xảy ra biến chứng.

Với những kết quả mà đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da, tạo hình đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn” mang lại, tháng 5/2024, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài. Thời gian tới, phương pháp này sẽ tiếp tục được áp dụng vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, góp phần làm giảm chi phí điều trị, đi lại cho người bệnh, từ đó làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bom-xi-mang-sinh-hoc-qua-da-phuong-phap-hieu-qua-dieu-tri-cho-benh-nhan-xep-dot-song-5020404.html