Bộn bề nỗi lo tàu 67. Bài 3: Tháo gỡ vướng mắc cho tàu 67
Những khó khăn, vướng mắc của tàu 67 là thực tế chung của các địa phương được chọn triển khai thí điểm mô hình này, không chỉ riêng tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, ngoài những chủ trương tháo gỡ của Chính phủ, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành những chính sách tháo gỡ riêng.
Hiện đại hóa nghề cá cần sự đồng bộ
NĐ 67 ra đời với cơ chế tín dụng chưa từng có trong ngành nông nghiệp, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư và hạn vay tới 11 năm với lãi suất thấp nhất là 1%/ năm. Đến năm 2015, NĐ 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67 đã điều chỉnh nâng thời hạn cho vay tàu 67 thành: 11 năm đối với tàu đóng mới vỏ gỗ hoặc nâng cấp; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới.
Theo đó, nghị định này có cơ chế hỗ trợ tương đối toàn diện để phát triển ngành thủy sản nói chung, đặc biệt hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn, có khả năng hoạt động khai thác xa bờ dài ngày với trang thiết bị công nghệ hiện đại. “Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt có những trở ngại khách quan ngư dân không lường trước được, mà COVID-19 là một ví dụ”, ông Bùi Đình Chiến cho biết.
Cũng theo ngư dân này, hiện đại hóa nghề cá cần sự đồng bộ, có những chiếc tàu lớn, công nghệ hiện đại vươn khơi thì dịch vụ hậu cần nghề cá cũng cần phát triển tương ứng mới phát huy được hiệu quả. Ông Chiến đưa ra ví dụ cụ thể từ tàu 67 của gia đình ông.
Trên con tàu này, ông Chiến đầu tư hai hầm cấp đông công suất lớn chạy bằng điện với chi phí 1,2 tỉ đồng. Vậy nhưng, tàu của ông chỉ sử dụng đúng 1 lần vào chuyến biển đầu tiên sau ngày hạ thủy. Sau đó, ông phải tháo dỡ 2 hầm cấp đông hiện đại này ra và bảo quản cá bằng phương thức truyền thống là ướp đá. Lý do được ông giải thích là các cơ sở thu mua không xác định được cá tươi hay ươn.
“Ở nước ngoài người ta dùng máy soi để kiểm tra chất lượng cá khi đông lạnh, còn thương lái mình thì nhìn bằng mắt thường nên không phân biệt được. Để kiểm tra thì phải đợi rã đông, thế là cá tươi lại hóa thành cá ươn nên phải bán với giá thấp”, ông Chiến bộc bạch.
Một số ngư dân khác thì cho rằng ngư trường đánh bắt dài ngày khiến tàu thu mua trên biển nhiều khi không tiếp cận được. Sản phẩm đánh bắt xong đều được ngư dân ướp đá nhưng chuyến biển càng kéo dài ngày thì càng giảm độ tươi của cá. Đó cũng là lý do khiến sản phẩm khi cập bờ được bán với giá thấp hơn.
Theo ông Lê Văn Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị, Cửa Việt, Cửa Tùng là những trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, số lượng tàu cá tăng nhanh, nhất là tàu đánh bắt xa bờ có công suất và kích thước lớn, tuy nhiên tình trạng bồi lấp cửa sông, cửa biển trong những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng. Cảng cá Cửa Tùng thì luồng lạch bị bồi lấp, nhiều chỗ cạn chưa đến 1 m khiến tàu thuyền không ra vào được.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, cảng này chỉ đón được 79 lượt tàu cập cảng, chủ yếu là tàu công suất nhỏ. Trong khi đó, dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng cá Nam Cửa Việt tiến độ thi công chậm. Theo kế hoạch thì dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2022 nhưng đến nay, các công trình hạng mục đều dang dở, trong khi hệ thống cầu cảng cũ đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cập cảng bốc dỡ hải sản cho đến việc tiếp nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm… cho tàu vươn khơi của ngư dân.
Khó giám sát sản lượng đánh bắt của ngư dân?
Còn nhớ trong một cuộc họp HĐND tỉnh, có đại biểu từng chất vấn: ngư dân than biển mất mùa, đánh bắt không hiệu quả nên khó trả nợ ngân hàng nhưng theo số liệu báo cáo của cơ quan chuyên môn thì sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh hằng năm đều tăng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng, ngân hàng chưa có công cụ quản lý doanh thu khai thác của chủ tàu nên không thể xác định được chính xác việc khai báo của ngư dân. Vậy, liệu có tình trạng ngư dân bán cá cho tàu thu mua hải sản trực tiếp trên biển rồi khai báo sản lượng thấp khi tàu cập cảng hay không?
Theo số liệu tại Cảng cá Cửa Việt, từ năm 2022 đến nay, sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân giảm. 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù lượt tàu cập cảng tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể năm 2022 có 955 lượt, trong đó có 809 tàu nội tỉnh; trong khi 6 tháng đầu năm 2023 có 1.462 lượt, trong đó có 941 lượt tàu nội tỉnh nhưng sản lượng đánh bắt của tàu cá cập Cảng Cửa Việt 6 tháng đầu năm 2023 là 977 tấn, trong đó tàu nội tỉnh đánh bắt khoảng 205 tấn, giảm 80 tấn so với cùng kỳ năm 2022.
Tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi được biết, trong những năm gần đây, việc xuất cảng, cập cảng của các tàu đánh bắt xa bờ được ban quản lý các cảng cá, lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Ngoài việc phải bật thiết bị giám sát hành trình trong quá trình đánh bắt trên biển, ngư dân phải ghi nhật ký đánh bắt để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Tàu cập cảng phải khai báo đầy đủ các thông tin về chuyến đánh bắt với ban quản lý cảng cá.
“Trước đây khó để nắm bắt được việc khai báo của ngư dân nhưng hiện nay, tất cả các cảng biển trên toàn quốc đều thực hiện nghiêm các biện pháp để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Vì thế, dù ngư dân có bán sản phẩm ngoài biển, không khai báo thì tàu dịch vụ thu mua trên biển khi cập cảng cũng phải khai báo cụ thể nguồn gốc sản lượng đã thu mua. Ngư dân muốn “gian dối” cũng khó”, ông Sơn cho biết.
Hiện nay, một số địa phương trong nước bắt đầu áp dụng ghi nhật ký khai thác điện tử. Mô hình này giúp ngư dân thuận lợi trong quá trình đánh bắt trên biển, khắc phục những nhược điểm của việc ghi nhật ký khai thác bằng giấy. Mỗi lần thả lưới, ngư dân chỉ cần bấm vào phần mềm được cài đặt sẵn, hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin về tọa độ, vị trí tàu, loại cá, sau khi khai báo sản lượng, dữ liệu sẽ được gửi về trạm bờ.
Có thể thấy, với những tính năng ưu việt, dễ sử dụng, hệ thống nhật ký khai thác điện tử khi được ứng dụng rộng rãi sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các bên liên quan như cơ quan quản lý nghề cá, ngư dân, doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, ngư dân Quảng Trị thì vẫn chưa biết đến phương thức này. Vì vậy, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh cần nghiên cứu, học tập các địa phương khác để hướng dẫn ngư dân trên địa bàn áp dụng. Phương thức này vừa giúp ngư dân thuận lợi trong khai thác, vừa là giải pháp để ngành chức năng quản lý sản lượng, truy xuất nguồn gốc hải sản chặt chẽ hơn.
Cần sự hợp tác của các bên liên quan
Theo quy định, khi khách hàng bị nợ quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải chuyển nhóm nợ xấu thì không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Tuy vậy, các chủ tàu vay vốn NĐ 67 cần được xem xét ở tính chất đặc thù. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị Phan Hữu Thặng, các ngân hàng thương mại cần xem xét tiếp tục cơ cấu, phân bổ lại lịch trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất của ngư dân. “Ví dụ, trong mùa đánh bắt chính thì cơ cấu trả nợ cao hơn nhưng mùa phụ nên cơ cấu trả nợ giảm xuống; giữ nguyên nhóm nợ, cho thu gốc trước lãi sau…”, ông Thặng cho biết.
Hiện nay, chi phí cho việc hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng đã hết thời hạn hiệu lực, trong khi các chi phí này tương đối lớn. Vì vậy, đề nghị trung ương xem xét có chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu với tất cả các khoản vay theo NĐ 67, không phụ thuộc khoản vay đã quá hạn hay chưa. Hầu hết các khoản vay theo NĐ 67 đã phát sinh quá hạn, việc cân đối nguồn vốn để trả nợ ngân hàng gặp khó khăn, nếu không được hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa thì khả năng tạo ra nguồn thu của chủ tàu càng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh đốc thúc việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là đẩy nhanh tiến độ dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng cá Nam Cửa Việt để hoàn thành sớm các cầu cảng, đồng thời nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, đầu tư hạ tầng vùng biển, nạo vét luồng lạch ở Cảng cá Cửa Tùng.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
“Chúng tôi thường làm việc với khách hàng sau mỗi chuyến biển để nắm bắt thông tin và động viên khách hàng trả nợ, trích từ nguồn hỗ trợ tiền dầu để thu nợ. Đối với các khoản nợ đến hạn khách hàng chưa trả được và có phương án khắc phục, chi nhánh đã thực hiện cơ cấu nợ theo Nghị định 55/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐCP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Các trường hợp tàu đóng mới khó khăn có thái độ hợp tác trả nợ, ngân hàng đã tiến hành cho thu nợ gốc trước, lãi sau để giảm áp lực trả nợ cho khách hàng”, Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Trị Phan Hồng Hải cho biết.
Hiện Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng dự thảo và có tờ trình Chính phủ ban hành nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản thay thế NĐ 67. Theo đó, dự thảo nghị định này quy định chính sách về đầu tư, tín dụng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá, chuyển nhượng tàu cá, bảo hiểm, hỗ trợ đào tạo, chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép. Hy vọng các chính sách mới này sẽ tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với tàu 67.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, khó khăn, vướng mắc của tàu 67 hiện nay là tình trạng chung của cả nước. “Trong thời gian chờ đợi chính sách mới của trung ương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, đánh giá cụ thể về tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của ngư dân để tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt”, ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Mặc dù ngân hàng đã khởi kiện một số tàu 67 do không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng nhiều ngư dân vẫn có suy nghĩ đây là chính sách ưu đãi của Nhà nước, nếu đánh bắt không hiệu quả thì chỉ việc trả lại tàu cho ngân hàng là hết nghĩa vụ. Trong khi đó, theo quy định, ngư dân vẫn phải tiếp tục có nghĩa vụ trả khoản nợ vay còn lại theo hợp đồng đã ký kết với ngân hàng.
Vì vậy, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để ngư dân hiểu rõ hơn về nghĩa vụ trả nợ của mình. Bên cạnh đó, cần động viên ngư dân vươn khơi bám biển, có thiện chí hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ, hợp tác cung cấp thông tin về lịch trình, vị trí tàu, tình trạng thực tế của con tàu, sản lượng, doanh thu… để ngân hàng có thông tin đánh giá về tình hình khai thác, kinh doanh của chủ tàu, từ đó xây dựng các phương án hỗ trợ phù hợp.
Hơn nửa đời bám biển, nay dù bệnh tật phải ở nhà nhưng ông Võ Lới vẫn luôn dõi theo hành trình đi biển của các con. “Là ngư dân thì phải bám biển để duy trì nghề truyền thống của ông cha và giữ biển, đảo quê hương. Trước khó khăn trên, tui có nguyện vọng được ngân hàng giãn nợ vay đóng tàu 67 cho ngư dân và ngược lại, ngư dân phải chịu khó tích góp trả bớt nợ cho ngân hàng”, ông Lới bày tỏ.