Bốn chìa khóa để mở cửa thị trường tài chính khí hậu
Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải rót tiền đầu tư vào quá trình chuyển đổi toàn diện và nhiều hạng mục. Ngành tài chính đối diện với bài toán cân bằng giữa ưu tiên tăng trưởng kinh tế ngắn hạn cũng như nhu cầu vốn cấp thiết hướng đến các cam kết về môi trường.
(KTSG Online) – Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải rót tiền đầu tư vào quá trình chuyển đổi toàn diện và nhiều hạng mục. Ngành tài chính đối diện với bài toán cân bằng giữa ưu tiên tăng trưởng kinh tế ngắn hạn cũng như nhu cầu vốn cấp thiết hướng đến các cam kết về môi trường.
Bốn chìa khóa để mở cửa thị trường tài chính khí hậu, được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024 chủ đề: “Tăng tốc để tăng trưởng xanh”, tổ chức bởi Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 19-9, bao gồm mở khóa quy định pháp lý, các dự án có thể vay vốn ngân hàng, giải pháp tài chính hỗn hợp và tăng năng lực của thị trường vốn.
Nhu cầu vốn khổng lồ
Việt Nam sẽ buộc phải có sự gia tăng đầu tư đáng kể vào biến đổi khí hậu, trong đó gồm các mục tiêu như xác định tiêu chí xanh, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trung hòa các ngành công nghiệp thâm dụng và mở khóa các giải pháp tài trợ thương mại, theo ông Darryl J. Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024 với chủ đề: “Tăng tốc để tăng trưởng xanh”, được tổ chức bởi Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 19-9.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là chủ đề được quan tâm, cũng có một phần dòng vốn chảy vào các lĩnh vực phát thải carbon thấp. Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, định nghĩa các ngành carbon thấp là ngành giảm thiểu khí thải nhà kính và tập trung vào các hoạt động bền vững. Các ngành này bao gồm năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp tuần hoàn như tái chế nhựa và kim loại, nông nghiệp bền vững, giao thông xanh, tòa nhà xanh, quản lý chất thải…
Trong số này, tăng trưởng ấn tượng nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo với tốc độ ấn tượng hơn 20% mỗi năm trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, đồng thời phải đảm bảo cam kết Net-zero. “Chúng ta phải phối hợp 2 mục tiêu này nghĩa là các ngành ít carbon phải tăng trưởng nhanh hơn nữa”, ông Lim nói.
Theo Kế hoạch phát triển điện VIII, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỷ đô la Mỹ đầu tư giai đoạn 2021-2050. Nguồn tài trợ này sẽ rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư R&D vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn, cũng như chuyển đổi bản chất của giao thông vận tải và xây dựng, trong số những thứ khác.
“Số tiền đầu tư này không thể chỉ được tài trợ bởi chính phủ. Mức độ tham gia đáng kể của khu vực tư nhân là rất quan trọng”, ông Lim của UOB Việt Nam nói.
Theo ước tính của World Bank trước đó, Việt Nam sẽ cần 368 tỉ đô la vào năm 2040 để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Còn trong vòng 10 năm tới, theo chuyên gia của IFC, Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỉ đô la, trong đó khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn đầu.
Tuy cần nhiều vốn, vấn đề là khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu còn hạn chế. Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực. “Sự thật đáng buồn là mặc dù nhu cầu nguồn vốn là một bức tường khổng lồ, cánh cửa cho tài chính khí hậu ở Việt Nam chỉ mới hé mở một chút”, ông Darryl nói.
Cần sớm mở khóa thị trường
Có rất nhiều rào cản trong tài chính khí hậu, từ góc độ ngân hàng tài trợ vốn hay nhà đầu tư. Chúng bao gồm chi phí đầu tư phải trả trước rất lớn, có ít giao dịch khả thi, tín dụng xanh ở mức thấp, năng lực thị trường vốn và quy định còn sơ khai. Tiếp nữa là tâm lý nghi ngờ và do dự trước các dự án khí hậu được coi là rất rủi ro.
Theo đại diện của UOB, từ phía các nhà đầu tư, các rào cản đáng kể nhất bao gồm việc thiếu một khuôn khổ phân loại xanh rõ ràng, không đủ động lực cho các khoản đầu tư xanh và các rủi ro tài chính được cho là có mối liên hệ đến các công nghệ mới.
“Thường có sự không phù hợp giữa bản chất dài hạn của các khoản đầu tư xanh và kỳ vọng tài chính ngắn hạn của các nhà đầu tư. Để vượt qua những thách thức này, cần có những nỗ lực phối hợp từ các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính và khu vực tư nhân”, ông Lim nói.
Để “mở khóa” thị trường tài chính khí hậu, nhóm giải pháp mà chuyên gia IFC đưa ra là bốn sự điều chỉnh ở trên các khía cạnh bao gồm: quy định, dự án khả thi có thể nhận tài trợ từ ngân hàng, tăng cường tài chính hỗn hợp và gia tăng “năng lực khí hậu”.
Đầu tiên là câu chuyện của quy định pháp lý, vốn đóng vai trò rất quan trọng mà thị trường tài chính khí hậu sẽ không thể phát triển nếu có ít hoặc mơ hồ. “Nếu bạn xây dựng một khung pháp lý khí hậu tốt thì các nhà đầu tư và nhà tài chính sẽ đến. Chắc chắn điều đó”, ông Darryl nói.
Dù vậy, gợi ý chung của chuyên gia IFC trong việc xây dựng khung pháp lý là không nên quá cầu toàn, thay vào đó là chấp nhận việc “các hướng dẫn hoàn hảo không thể đến cùng một lúc”. Chẳng hạn nhìn qua Thái Lan đã có thuật ngữ xanh, khung khí hậu của họ cũng đơn giản: từ xanh – vàng – đỏ để hướng dẫn. “Chúng ta bắt đầu tư những quy định đơn giản, dễ sử dụng, và khi thị trường cải thiện thì chúng ta có thể đưa thêm vào”, ông Darryl nói.
Chìa khóa thứ hai là giải pháp “tài chính hỗn hợp”, tức là sự kết hợp của vốn ưu đãi và thương mại, từ đó kỳ vọng làm giảm tổng chi phí giao dịch, giúp cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của dự án. Đây được xem là một công cụ giảm rủi ro hấp dẫn để huy động tài chính khí hậu và mở khóa các giao dịch khó khăn.
Chìa khóa thứ ba là phải thúc đẩy các dự án có khả năng tiếp cận được với các ngân hàng nhiều hơn. Để làm điều này, không chỉ các bên phải đưa thông tin cho ngân hàng (vì đây là lĩnh vực mới), mà chính các ngân hàng buộc phải nâng cao năng lực bản thân.
Năng lực ở đây không chỉ là vốn, mà còn là những tiêu chí khác như kỹ năng thẩm định, quản lý rủi ro trong mục tiêu phát triển bền vững…làm việc với khách hàng để phát triển thêm các công cụ tài chính. “Nếu các ngân hàng không thể nào đứng yên chờ khách, thì coi chừng đi lùi”, ông Darryl bình luận.
Chìa khóa cuối cùng là việc nâng cao “năng lực khí hậu” thông qua việc xây dựng năng lực xanh của hệ thống tài chính. Không chỉ hệ thống cấp tín dụng, tài trợ cho khí hậu còn cần phải phát triển các nguyên tắc xanh trên thị trường vốn, chẳng hạn như trái phiếu xanh.
Từ góc độ đơn vị cấp tín dụng, đại diện UOB cho biết muốn vay xanh cần có đủ các tiêu chí cần thiết. Đầu tiên, khách hàng phải có uy tín tốt, dự án khả thi về mặt tài chính. Thứ hai là tìm kiếm một dự án “xứng đáng” và sau đó phải giám sát liên tục. “Một doanh nghiệp tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững thực sự, đó là ba yếu tố chúng tôi tìm kiếm trong tài chính xanh”, ông Lim nói.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bon-chia-khoa-de-mo-cua-thi-truong-tai-chinh-khi-hau/