Bốn mùa trái cây Tây Nguyên

Sau hơn 18 tháng với 15 hộ nông dân ở xã Rô Men và xã Đạ R'Sal, huyện Đam Rông cùng nhau tập hợp thành lập hợp tác xã (HTX) tổ chức sản xuất chuyên canh và xen canh đa dạng cây trồng đã đạt kết quả bước đầu, xây dựng một vùng nguyên liệu cây ăn trái đặc trưng bốn mùa Tây Nguyên gắn với thị trường tiêu thụ ổn định theo hợp đồng trong cả nước.

Khu vườn sản xuất 4 ha cà phê xen canh với chôm chôm, sầu riêng... của hộ gia đình Nguyễn Thị Thương ở xã Rô Men, Đam Rông đã và đang gia tăng mức thu nhập khá hàng năm

Khu vườn sản xuất 4 ha cà phê xen canh với chôm chôm, sầu riêng... của hộ gia đình Nguyễn Thị Thương ở xã Rô Men, Đam Rông đã và đang gia tăng mức thu nhập khá hàng năm

Đó là HTX Trái cây Tây Nguyên tọa lạc bên nông trại diện tích lên đến 4 ha tại Thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông với chức năng vừa sản xuất, sơ chế, chế biến, tập kết các mặt hàng cây trái trước khi vận chuyển phân phối đến đối tác khách hàng các vùng miền khác nhau. Phóng viên đến đây khi vụ mùa cà phê thu hoạch cao điểm của các hộ thành viên thu mua đưa về HTX phân loại, sơ chế, chế biến khá khẩn trương. Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thương hướng dẫn phóng viên tham quan quy trình sấy khô cà phê bằng nhiên liệu hơi đốt từ vỏ trấu, đạt công suất 18-20 tấn/20 giờ, tương đương với thời gian phơi ngoài sân liên tục 7-8 ngày nắng. Cà phê sấy khô xong chuyển qua hệ thống máy xay xát tự động tại chỗ với công suất thành phẩm cà phê nhân bình quân 1 tấn nhân/ngày. “HTX Trái cây Tây Nguyên chúng tôi có 15 hộ thành viên sản xuất 40 ha cà phê, năng suất trung bình khoảng 12 tấn tươi/ha. Phần lớn sản lượng cà phê thu hoạch năm ngoái và năm nay đều được hộ thành viên bán cho HTX theo hợp đồng bao tiêu với mức giá cao hơn giá thị trường...”, Giám đốc Nguyễn Thị Thương cho hay.

Đáng kể từ ngày đi vào hoạt động với 2 niên vụ sản xuất, kinh doanh cà phê, HTX Trái cây Tây Nguyên còn thu mua của 15 hộ thành viên với phong phú sản phẩm trái cây xen canh bốn mùa. Cụ thể, ước tính trong mùa trái cây 2020, HTX thu mua của hộ thành viên hàng trăm tấn sầu riêng, chôm chôm, bơ... Trong đó có 10 hộ thành viên thu hoạch trái cây được HTX bao tiêu, khấu trừ khoản đầu tư ứng trước vật tư, phân bón, cây giống, chi phí sinh hoạt... khoảng hơn 1 tỷ đồng không tính lãi suất trong cả năm 2020. Hộ thành viên ứng trước nhiều nhất lên đến 200 triệu đồng, ít nhất là 50 triệu đồng.

Riêng Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thương cũng đồng thời là một hộ thành viên với 4 ha cà phê xen canh 100 cây sầu riêng, 600 cây chôm chôm đang vào thời kỳ kinh doanh tại Thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông. Trong niên vụ vừa qua, bên cạnh đạt năng suất 12 tấn tươi/ha cà phê, hộ thành viên Nguyễn Thị Thương thu nhập từ chôm chôm, sầu riêng xen canh khoảng gần 700 triệu đồng. Tiếp theo với 3 ha sầu riêng chuyên canh trên 9 năm tuổi cũng ở khu vực Thôn 2, xã Rô Men vừa nêu, hộ chị Thương cũng đã cộng thêm thu nhập hơn 500 triệu đồng. Tất cả thu nhập từ cạy trái sầu riêng, chôm chôm ở đây của hộ Nguyễn Thị Thương đều đạt ở mức khá nhờ giá thu mua của HTX Trái cây Tây Nguyên cao hơn giá thị trường từ 10% trở lên...

Mỗi vụ mùa, HTX Trái cây Tây Nguyên thu mua hàng trăm tấn cà phê tươi của hộ thành viên để sơ chế, chế biến và tiêu thụ theo hợp đồng

Mỗi vụ mùa, HTX Trái cây Tây Nguyên thu mua hàng trăm tấn cà phê tươi của hộ thành viên để sơ chế, chế biến và tiêu thụ theo hợp đồng

Đặc biệt, diện tích cây ăn trái các loại xen canh cà phê của hộ Nguyễn Thị Thương với nguồn giống chất lượng cao và quy trình canh tác ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, đã và đang trở thành điểm đến của hộ gia đình trong và ngoài thành viên HTX Trái cây Tây Nguyên để trao đổi kinh nghiệm, áp dụng phù hợp trên từng khu vực đất canh tác khác nhau trên địa bàn huyện Đam Rông. Theo đó đến nay, trên diện tích 4 ha cà phê, hộ thành viên Nguyễn Thị Thương không chỉ xen cây ăn trái gồm sầu riêng, chôm chôm mà còn có 500 cây bưởi ruột đỏ giống từ tỉnh Hải Dương đang bước vào năm thứ 2 sinh trưởng khá tốt, dự kiến đến năm thứ 3 bắt đầu thu hoạch trái bói. Chị Thương còn liên hệ đưa về 200 cây giống bưởi da xanh cho hộ thành viên khác trong HTX trồng và chăm sóc đến năm thứ 3 phát triển đạt các yêu cầu kỹ thuật canh tác mới. Triển vọng đến năm thứ 5, năng suất 200 cây bưởi da xanh sẽ đạt bình quân 100 kg/cây. Tính theo giá thị trường trong năm 2020 thì thu nhập bưởi da xanh ở Rô Men, Đam Rông khoảng 3,5 triệu đồng/cây. Chưa kể cây na (mãng cầu) cũng đã được chị Thương vận động 1 hộ thành viên trồng xen canh trên 2 ha diện tích cà phê, trong thời điểm đầu mùa hạ năm 2021 sẽ thu hoạch đưa ra thị trường gắn nhãn hiệu HTX Trái cây Tây Nguyên của huyện vùng xa Đam Rông...

Vậy là đón năm mới 2021, HTX Trái cây Tây Nguyên đạt mục tiêu năm đầu tiên thu hoạch với bốn mùa cây trái liên tục - từ mãng cầu đến chôm chôm, sầu riêng, bơ... của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và đến cà phê vào mùa đông, phá vỡ thế độc canh, tạo bước đột phá về đa canh sản xuất mang lại thu nhập gia tăng cho kinh tế hộ gia đình...

Đánh giá về hình thức đa canh cây trồng của HTX Trái cây Tây Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Rô Men, anh Nguyễn Minh Thắng nói rằng, đây là mô hình sản xuất tập trung, nguồn giống cây trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định, quá trình canh tác áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật kết hợp với nhiều kinh nghiệm thực tế, hy vọng sẽ tiếp tục nhân rộng ngày càng nhiều diện tích hơn nữa trên địa bàn xã Rô Men nói riêng, huyện Đam Rông nói chung...

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/bon-mua-trai-cay-tay-nguyen-3043074/