Bốn nhà lãnh đạo quyền lực cùng chung một tình thế
Bốn nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Đức, Anh đều đang tìm cách xây dựng một liên minh hùng mạnh trên trường quốc tế, trong khi phải đối mặt với những vấn đề chính trị lớn ở quê nhà.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cố gắng xây dựng một liên minh quốc tế mạnh mẽ vào thời điểm mà vị thế của ông đang bị suy yếu rất nhiều ở quê nhà, theo Washington Post.
Tỷ lệ ủng hộ của ông trong các cuộc thăm dò đã giảm sau khi có bằng chứng cho thấy ông và nhân viên của mình đã tổ chức tiệc trong giai đoạn Anh phong tỏa. Ông là thủ tướng Anh đầu tiên bị phạt khi còn đương nhiệm. Trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng này, 41% các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu phế truất ông.
Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giảm mạnh, và ông có thể phải đối mặt với những tổn thất lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thắng thế trong chiến dịch tái đắc cử gần đây, nhưng sau đó nhanh chóng mất quyền kiểm soát Quốc hội trong bối cảnh phe cực hữu giành được thành công lịch sử.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đang vật lộn để giành được chỗ đứng sau khi thay thế nhà lãnh đạo kỳ cựu Angela Merkel, đồng thời phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích ở nước này.
Mối đe dọa tương tự
Theo Washington Post, bốn nhà lãnh đạo đối mặt với mối đe dọa tương tự: Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lung lay và xung đột đang xảy ra tại Ukraine.
Vì vậy, các chuyến công du nước ngoài có thể mang lại cho các nhà lãnh đạo cảm giác nhẹ nhõm, thoát khỏi gánh nặng của các vấn đề ở quê nhà.
“Đối với những nhà lãnh đạo này, việc đến thăm Kyiv và bày tỏ sự ủng hộ là điều hoàn toàn tốt”, Heather A. Conley, Chủ tịch Quỹ Marshall của Đức, cho biết. Tuy nhiên, ông nhận định rằng điều này cũng cần phải nhận được sự ủng hộ của người dân quê nhà. “Điều đó có thể là một thách thức và khó khăn về mặt chính trị”, ông nói.
Khi ông Macron đến dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau (Đức) vài ngày trước, tin tức nổi bật ở Pháp không phải là cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo khác. Thay vào đó, sau khi ông Macron mất vị thế là phe đa số trong quốc hội vào tháng này, ông đã phải đối mặt với viễn cảnh cầm quyền đầy khó khăn.
Ông Macron cho biết muốn thành lập phe đa số mới vào đầu tháng 7, nhưng không rõ là ông có thể thuyết phục đủ các nhà lập pháp phe đối lập ủng hộ mình hay không. “Tình hình chính trị trong nước khá bất định, phức tạp”, François Heisbourg, một nhà phân tích chính trị, cho biết.
Anh cũng phải đối mặt với sự bùng nổ của chủ nghĩa dân túy, khi cuộc trưng cầu dân ý buộc nước này rút khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2020. Biến động đó đã giúp ông Johnson đắc cử thủ tướng, nhưng hiện ông phải đối mặt với một loạt sóng gió.
Lạm phát ở Anh là hơn 9%, tỷ lệ cao nhất trong 40 năm. Và cũng giống như Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái tiềm tàng và Pháp phải chịu đựng cuộc biểu tình “áo vàng” về các điều kiện kinh tế, Anh có thể chứng kiến làn sóng đình công vào mùa hè này trong bối cảnh bất ổn lao động ngày càng gia tăng.
“Cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt đang gây áp lực lên các hộ gia đình và họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Khả năng trợ giúp của chính phủ phụ thuộc vào số tiền họ có”, Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary, London, nói.
"Nếu họ đang chi hàng triệu hoặc hàng tỷ (USD) để giúp Ukraine, đó có thể là số tiền mà họ không thể chi để bảo vệ người dân khỏi lạm phát”, ông cho biết thêm.
Con đường cầm quyền đầy thách thức
Không giống những lãnh đạo trên, Thủ tướng Đức Scholz đã gặp phải rắc rối trong nước vì việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà phê bình cho rằng chính sách của ông là khó hiểu và phàn nàn rằng ông đã làm chậm quá trình chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Con đường của ông Scholz luôn đầy thử thách, kể từ khi ông thay thế nhà lãnh đạo huyền thoại Merkel. Sau sáu tháng đầu tiên đương nhiệm vị trí thủ tướng, ông Scholz đã phải đối mặt với những lời chỉ trích, rằng ông không phù hợp với vị trí này.
Khi Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong tuần này, những vũ khí hạng nặng đầu tiên do Berlin chuyển giao đã đến Ukraine. Tuy nhiên, thủ tướng của họ đang phải đối mặt với những lời kêu gọi phải làm nhiều hơn trong bối cảnh Ukraine đang thất thế trên thực địa. Các chính trị gia của nước này cũng đang kịch liệt đặt câu hỏi về điều gì đang khiến ông Scholz chần chừ.
Và ông Biden cũng đang bị công kích, vì xung đột ở Ukraine dẫn đến lạm phát và những khó khăn chính trị ở quê nhà. Mặc dù nhiều người Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc giúp đỡ Ukraine, các cuộc thăm dò cũng cho thấy họ rất lo lắng về nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ và đảng của ông phải đối mặt thêm khó khăn vào tuần trước, khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược án lệ Roe v Wade, vốn ủng hộ quyền phá thai.
Ông Biden kêu gọi cử tri phản ứng trước điều này bằng cách bầu thêm đảng viên Dân chủ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trong đảng của ông phàn nàn rằng tổng thống đang đưa ra một phản ứng không phù hợp và tồi tệ đối với một cuộc khủng hoảng quốc gia.
Điều đó có thể dẫn đến tổn thất đáng kể trong cuộc bầu cử vào tháng 11, khi nhiều người mong đợi đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện và có thể là Thượng viện.
Trong lịch sử, các tổng thống Mỹ cũng thường hướng sự chú ý ra nước ngoài khi phải đối mặt với những rắc rối chính trị ở quê nhà.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bon-nha-lanh-dao-quyen-luc-cung-chung-mot-tinh-the-post1331174.html