Bốn sắc thái của 'Khát vọng Dế Mèn'
Bốn giải đồng hạng mang tên 'Khát vọng Dế Mèn' của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023, lần lượt thuộc về: Chùm tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn); 'Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ' (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng); 'Ở một nơi có rất nhiều rồng' (bản thảo truyện dài của Mộc An) và 'Vua ngan xóm hồ' (bản thảo truyện dài của nhà văn Uông Triều).
Nhiều bất ngờ với chùm tranh của cậu bé Dân tộc Tày 11 tuổi
Mới 11 tuổi, họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (dân tộc Tày, sống ở Lạng Sơn) thật sự đã gây ấn tượng rất sâu đậm với BGK Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023, cả vòng sơ khảo lẫn chung khảo.
Sinh 2012, là học sinh lớp 5A1, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn (TP Lạng Sơn), Hoàng Nhật Quang bắt đầu vẽ tranh thường xuyên từ năm 9 tuổi, đến nay "gia tài" của em đã ngót nghét 40 tác phẩm hoàn chỉnh, trong đó có nhiều tranh khổ lớn, mà họa sĩ "nhí" này phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành.
Hoàng Nhật Quang tâm sự, em không chuẩn bị ý tưởng hoặc phác thảo khi vẽ tranh, mà có lúc đang chơi cùng bạn bè trong xóm thì chạy về vẽ hình bằng màu luôn, không cần dùng bút chì, tẩy, để phác hình. Tất cả các bức tranh của Quang được vẽ một cách tự do, bộc phát ngay tại thời điểm vẽ. Hầu như rất ít phải chỉnh sửa.
Về bố cục, Quang vẽ phóng khoáng, không theo quy củ gì cả; vì bản thân em cũng chưa được học vẽ, mà chỉ cảm, nghĩ sao vẽ vậy. Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn.
Khi được hỏi: "Quang vẽ gì trong tranh?", Quang trả lời là: “Con không biết, con thích thì con vẽ thôi”. Nhưng khi xem tranh và quan sát hình, thấy Quang luôn muốn nhân hóa mọi thứ, muốn đưa tiếng nói vào các vật thể vô tri. Cho dù vẽ tĩnh vật hoặc những vật vô tri khác, Quang thường vẽ thêm mắt mũi, chân tay cho sinh động. Có những bức thì mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân, thân… vẽ cho giống người, nhưng cũng có những bức thì không. So với các bức acrylic đầu tiên, các bức sau này cho thấy Hoàng Nhật Quang đã biết phân tích gam màu, chồng màu nhiều lớp, biết tạo chất, tạo nhịp điệu màu, tạo sắc độ, biết đi nét...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Tranh Nhật Quang lạ, hình họa bố cục chắc chắn. Ý tưởng sáng tác tốt. Lấy ý "vạn vật hữu linh" để có mạch sáng tác rõ ràng. Hòa sắc phối màu đều ấn tượng và tương đối tốt. Bố cục có nhiều bức chặt chẽ, còn lại thì thoải mái không thấy bị già hay "giả". Các hình tượng trong tranh cũng phong phú không gượng ép. Nhiều bức màu đẹp, sinh động, biến hóa”.
Họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh, thành viên Hội đồng giám khảo, thì cho rằng, tranh có nhiều ý tưởng độc đáo, đa dạng... bố cục tranh tốt, bố cục màu sinh động, hợp lý. Tông màu mạnh mẽ, ấn tượng.
"Minh oan" cho Ông Ba Bị
"Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ" (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng) là tác phẩm giúp nhà văn giành được giải "Khát vọng Dế Mèn" kỳ này.
Ông ba bị, ngáo ộp hoặc ông kẹ… là hình ảnh tưởng tượng mà người lớn sử dụng để hù, nhát trẻ em nói chung. Mỗi nơi có một hình dung và cách kể riêng. Thế nhưng, tác phẩm "Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ" (NXB Kim Đồng) lại là cuộc “minh oan” cho ông Ba Bị.
Tại sao gọi là ông Ba Bị? Ấy vì trước nhất ông mang ba chiếc bị, mà trong tác phẩm của Lạc An, ba chiếc bị đó là Ký ức tuổi thơ, Giấc mơ đẹp, Lãng quên.
Ông Ba Bị cao lớn, râu tóc xồm xoàm, mỗi khi cười thì khiến tụi trẻ con sợ hãi… cho nên bị thiên hạ “trông mặt bắt hình dong”, thành ra trong ký ức của nhiều người, Ba Bị là vị thần xấu.
Một ngày nọ, vị thần này dấn thân vào thế giới hiện đại, tiếp cận với những đứa trẻ hôm nay như Bi, Ken, Bun, Bo và cùng chúng đi vào thế giới của giấc mơ, những cuộc phiêu lưu hấp dẫn đến mức khiến tụi trẻ con quên đi đời sống hiện thực của mình.
Ba Bị của Lạc An là một vị thần mang nhiều nhân tính, khao khát được công nhận. Cuối cùng, ông Ba Bị cũng thành công giành lại thiện cảm trong mắt trẻ em khắp chốn.
Mơ mộng vừa đủ, thực tế vừa đủ, phiêu lưu vừa đủ, nên tác phẩm cũng đủ ghi được một dấu ấn trong lòng độc giả. Từ nay, bên cạnh ông Ba Bị đáng sợ mà dân gian lưu truyền, sẽ có thêm một ông Ba Bị dễ thương cho bất kỳ những đứa trẻ nào còn tin rằng bản chất của vạn vật trên đời này là thiện lương.
Truyện đã xây dựng được hình tượng đặc sắc về ông Ba Bị - từ con ngáo ộp trở thành vị thần giấc mơ, và chính ông cũng phải vật lộn với sự hiểu nhầm của loài người. Câu chuyện bay bổng ly kỳ. Các nhân vật thần kỳ đều thể hiện sự thần kỳ theo cách độc đáo bất ngờ, không giống cổ tích, cũng không giống Disney, lại có tính triết lý sâu sắc (Giấc mơ nào đẹp nhất? - Chính là mơ cùng nhau). Truyện cũng rất đậm yếu tố thời đại, khi diễn tả cơn ác mộng của đứa trẻ là giấc mơ ngập đầy bài tập. Đỉnh điểm của cuộc phiêu lưu là chuyện ông Ba Bị và các bạn giải cứu cho cậu bé suốt ngày bị bắt học khỏi căn phòng làm toàn bằng những bài tập toán. Trước khi đến được căn phòng đó, họ gặp phải "những quả núi bài tập toán" ầm ầm bay đến, may sao cuối cùng với sự giúp đỡ của ông Ba Bị chúng đã thoát được. Đây phải nói là một "đại cảnh huy hoàng" mà bất cứ đứa trẻ nào đọc sách cũng sẽ phá lên cười thích thú.
Giọng văn của Lạc An trong cuốn truyện rất hoạt, ra đúng chất giọng của trẻ con và các suy tư kiểu trẻ con. Chất hài hước và vui nhộn cũng là một điểm cộng của tác phẩm này. Các thông điệp nhân văn về tình bạn, về sắc màu tuổi thơ, về sự khô khan của thế giới người lớn hiện đại hay vấn nạn học hành khiến câu chuyện có chiều sâu, song được lồng ghép tự nhiên, dễ dàng kết nối với tâm hồn trẻ thơ. Dù phần kết hơi có một chút hẫng đáng tiếc, đây thực sự vẫn là một câu chuyện hay, đáng đọc, chắc chắn mang đến cho trẻ con những tiếng cười sảng khoái, cộng với nỗi khao khát được gặp ông Ba Bị trong mơ.
Một bối cảnh huyền thoại đầy chất thơ
"Ở một nơi có rất nhiều rồng" (bản thảo truyện dài của Mộc An) bắt đầu với huyền thoại về loài rồng được truyền tụng trong thế giới của loài người, để rồi chính những chú rồng nhỏ ngày nay lại được nghe về huyền thoại ấy. Vì lòng tham và cuộc chiến tranh quyền đoạt vị của loài người mà hai anh em nhà rồng rơi vào tình thế phải đối đầu nhau trong một cuộc chiến sống còn.
Mộc An đã khá thành công trong việc thiết kế nên một bối cảnh huyền thoại đầy chất thơ, với những sinh vật kỳ ảo và câu chuyện vô cùng kích thích trí tưởng tượng cũng như sự suy tư. Dường như tác giả đã tiến thêm một bước trên hành trình sáng tác của chính cô.
Từ "Nếu một ngày chúng tớ biến mất" (chung khảo Dế Mèn 2022) đến "Ở một nơi có rất nhiều rồng" (chung khảo Dế Mèn 2023), văn chương của Mộc An đã tiệm cận đến vẻ đẹp của truyện thiếu nhi trong quan điểm cá nhân của tôi: Một thông điệp nhân văn ẩn chứa trong câu chuyện đủ hấp dẫn, thoát ly chuyện kể về đời sống thường nhật; nhân vật đủ thú vị với nhiều kiểu nhân vật khác nhau (người, thú, sinh vật thần thoại,...); và toàn bộ được hiện ra trước mắt độc giả nhờ dòng ngôn từ thấm đẫm chất thơ.
Bồi đắp cho các em có một lòng nghĩa hiệp
"Vua Ngan xóm hồ" (bản thảo truyện dài của Uông Triều) với nhân vật trung tâm là Vua Ngan, được xây dựng như một bậc trượng phu, một anh hùng bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của cư dân ở xóm hồ - khu vườn quê có những vật nuôi thân thuộc như ngan, gà, vịt, chó, mèo. Vua Ngan hội tụ đủ mọi đức tính tốt đẹp: Dũng cảm, mạnh mẽ, điềm tĩnh, cẩn trọng, khiêm nhường, có tiếng nói và uy tín với cư dân xóm hồ.
Sử dụng hình thức đồng thoại, khai thác môtíp phiêu lưu trong thế giới loài vật quen thuộc, song Vua Ngan xóm hồ có những sáng tạo mới mẻ của tác giả. Chỉ từ việc kể, tả diễn biến cuộc sống hằng ngày trong xóm hồ thông qua những mẫu thuẫn, tai họa ập đến, tác giả đã lột tả sinh động tính cách của từng nhân vật, trong đó đậm nét nhất chính là Vua Ngan.
Thông qua những nhân vật đồng thoại, ngoài việc để các em nhỏ có tình yêu với thiên nhiên, loài vật, truyện bồi đắp cho các em có một lòng nghĩa hiệp sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ người khác. Hơn thế, để các em có nhận thức đấu tranh với những cái xấu, những cái chưa tốt trong đời sống.
Không trực diện, khiên cưỡng, các bài học đạo đức được hiển lộ từ diễn biến của tình huống truyện với giọng văn hài hước, mềm mại, và dễ chịu. Trong đó, tác giả chú trọng đến yếu tố thoại, mô tả hành động thay vì suy nghĩ của nhân vật. Điều này còn cho thấy ở Uông Triều có sự thấu hiểu tâm lý trẻ em và nhạy bén nắm bắt được đặc tính của các loài vật trong tự nhiên.
Có thể thấy, cảm hứng của Uông Triều về sự anh hùng, nghĩa hiệp rất mạnh. Đó là lý do những chuỗi truyện của anh được gắn kết từ Ong Béo và Ong Gầy đến Vua Ngan xóm hồ, cũng như những tập truyện dự định viết sau này sẽ có chung một tinh thần và triết lý như vậy